Ngoài ra, một người còn có thể mắc Cúm A khi: sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt (ly, chén, muỗng, khăn,…) với người bệnh, hoặc vô tình tiếp xúc với các đồ gia dụng trong gia đình có chứa vi rút (tay nắm cửa, bàn, ghế,…) sau đó đưa lên mũi, miệng; tiếp xúc với động vật nhiễm Cúm A, cũng có thể lây bệnh như các loài động vật có vú như lợn, ngựa hay các loại gia cầm; tập trung ở những nơi tập trung đông người như công viên, nhà trẻ, trường học, công sở,… cũng là điều kiện thuận lợi để lây lan vi rút.
Triệu chứng của cúm A
– Sốt
– Đau cơ, mệt mỏi
– Viêm long đường hô hấp, đau họng
– Có thể kèm theo các triệu chứng của đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, ỉa chảy).
Đặc biệt ở đối tượng trẻ có các bệnh mạn tính, cơ địa béo phì bị nhiễm vi rút Cúm A rất dễ gây các biến chứng như: viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí có thể viêm não, tử vong.
Cách xử trí khi mắc Cúm A
Chuyên gia Nhi khoa cho biết, xử trí trẻ nghi ngờ nhiễm cúm chủ yếu điều trị hỗ trợ như: hạ sốt, bổ sung nước điện giải, tăng cường dinh dưỡng, vệ sinh mũi họng, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các trẻ khác hoặc những người có cơ địa suy giảm miễn dịch, nằm trong môi trường thoáng khí, nhiệt độ mát. Đặc biệt quan trọng là tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm để tăng cường khả năng phòng ngừa nhiễm bệnh hoặc giảm mức độ nặng khi có nhiễm bệnh.
Gia đình cần theo dõi trẻ, khi thấy trẻ xuất hiện các dấu hiệu nặng hơn như: khó thở – thở nhanh, lồng ngực rút lõm, tím môi, li bì hoặc kích thích vật vã, ăn kém hoặc bỏ ăn, nôn nhiều … cần đi khám và điều trị tại bệnh viện ngay.
Việc sử dụng thuốc kháng vi rút hoặc kháng sinh phải do các bác sĩ quyết định sau khi thăm khám và đánh giá mức độ bệnh.
Phân biệt bệnh Sốt Xuất Huyết và cúm A
Hiện cũng đang là thời điểm dịch Sốt xuất huyết bùng phát mạnh ở nhiều địa phương, chính vì vậy các gia đình cần lưu ý đến các dấu hiệu của bệnh để tránh nhầm lẫn.
Theo TS. BS Nguyễn Thành Nam – Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, tương tự các tình huống nhiễm vi rút khác, Cúm và Sốt xuất huyết đều có các dấu hiệu sốt cao, đau mỏi cơ, mệt mỏi. Tuy nhiên có thể đánh giá phân biệt ban đầu giữa sốt xuất huyết và nhiễm cúm bằng một số đặc điểm:
– Yếu tố dịch tễ: Sốt xuất huyết xuất hiện nhiều vào mùa hè – thu; cúm thường cao điểm vào mùa đông xuân;
– Trong bệnh cúm, ngoài các triệu chứng sốt cao, đau mỏi người còn có dấu hiệu viêm long đường hô hấp (ho, hắt hơi, sổ mũi), đau họng.
Sốt xuất huyết giai đoạn đầu sốt, đau mỏi người kèm theo có thể da xung huyết, sau ngày thứ 3 có thể có xuất huyết ngoài da kèm theo. Trong giai đoạn đầu (ngày 1-3) diễn biến bệnh ta có thể phân biệt hai bệnh trên với các dấu hiệu đã nêu. Sau 03 ngày trẻ còn sốt hoặc có các dấu hiệu bất thường nên đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám, đánh giá và cho các xét nghiệm phù hợp.
Cách phòng ngừa Cúm A
– Phòng ngừa Cúm A cho trẻ và gia đình tốt nhất là tiêm vắc xin cúm hàng năm, đặc biệt những người có yếu tố nguy cơ: người có tuổi > 65, người có bệnh mạn tính, phụ nữ có thai… Thời điểm thích hợp nên tiêm vào tháng 7 – 9 hàng năm.
– Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.
– Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc.
– Lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường.
– Tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng và được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.
– Ngoài ra, tăng cường miễn dịch, uống đủ nước, giữ gìn vệ sinh, đặc biệt vệ sinh bàn tay và không gian sinh sống, tránh tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh, đeo khẩu trang… cũng là các biện pháp hiệu quả phòng chống bệnh cúm.
– Không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng vi rút như Tamiflu, mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Thảo Ly
(Theo suckhoedoisong.vn)