Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương vừa ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước và các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Viện Pasteur về việc tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh Marburg.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur chủ động tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh Marburg không để dịch bệnh lan truyền vào Việt Nam. Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để điều tra dịch tễ, lưu ý những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch khu vực châu Phi trong vòng 21 ngày. Đồng thời, phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur lấy mẫu để xét nghiệm chẩn đoán, quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng…
Đường lây truyền của Marburg
Ngày 14/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tổ chức họp khẩn sau khi có ít nhất 9 người tại Guinea Xích đạo tử vong vì sốt xuất huyết do virus Marburg (MVD). Vật chủ chứa virus Marburg là dơi ăn quả châu Phi, Rousettus aegyptiacus. Bệnh do virus Marburg là một bệnh gây xuất huyết hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến cả người và động vật linh trưởng, có tỷ lệ tử vong ca bệnh lên tới 88%.
Đánh giá rủi ro của WHO về dịch bệnh do virus Marburg
WHO nhận định, việc kiểm soát bùng phát dịch bệnh do virus Marburg dựa vào việc sử dụng một loạt các biện pháp can thiệp, cụ thể là quản lý ca bệnh, giám sát bao gồm truy tìm người tiếp xúc, dịch vụ xét nghiệm tốt, phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm bao gồm chôn cất an toàn và đàng hoàng cũng như vận động xã hội. Sự tham gia của cộng đồng là chìa khóa để kiểm soát thành công các đợt bùng phát MVD. Nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ lây nhiễm Marburg và các biện pháp bảo vệ mà các cá nhân có thể thực hiện là một cách hiệu quả để giảm sự lây truyền sang người.
Các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi Marburg nên nỗ lực để đảm bảo rằng người dân được thông tin đầy đủ, cả về bản chất của dịch bệnh và về các biện pháp ngăn chặn ổ dịch cần thiết.
Các biện pháp ngăn chặn bùng phát bao gồm chôn cất nhanh chóng, an toàn và đàng hoàng những trường hợp đã tử vong, xác định những người có thể đã tiếp xúc với người bị nhiễm Marburg và theo dõi sức khỏe của họ trong 21 ngày, cách ly và chăm sóc những bệnh nhân đã được xác nhận và duy trì vệ sinh tốt và sạch sẽ môi trường.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc hoặc nghi ngờ mắc MVD nên áp dụng các biện pháp kiểm soát lây nhiễm bổ sung bên cạnh các biện pháp phòng ngừa tiêu chuẩn để tránh tiếp xúc với máu và dịch cơ thể của bệnh nhân cũng như với các bề mặt và đồ vật bị nhiễm bẩn.
WHO khuyến cáo nam giới sống sót sau MVD thực hành tình dục và vệ sinh an toàn hơn trong 12 tháng kể từ khi xuất hiện các triệu chứng hoặc cho đến khi tinh dịch của họ hai lần xét nghiệm âm tính với virus Marburg. Nên tránh tiếp xúc với chất dịch cơ thể và nên rửa bằng xà phòng và nước. WHO không khuyến nghị cách ly bệnh nhân nam hoặc nữ đang hồi phục có xét nghiệm máu âm tính với virus Marburg.
Tuy nhiên, WHO từng khuyến cáo không nên hạn chế đi lại và/hoặc buôn bán tới Guinea Xích đạo dựa trên thông tin hiện có về đợt bùng phát hiện tại./.