Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho biết, sốt xuất huyết là bệnh lưu hành thường xuyên tại Hà Nội với số ghi nhận trung bình hàng năm khoảng 5000 trường hợp mắc. Riêng năm 2017, thành phố Hà Nội ghi nhận trên 37.000 trường hợp mắc, nhiều nhất từ trước cho đến nay.
Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 231 trường hợp mắc sốt xuất huyết, số mắc giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2017, song có một thực tế là các yếu tố nguy cơ để sốt xuất huyết phát sinh, phát triển thành dịch luôn hiện hữu. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng là nơi muỗi đẻ trứng; mật độ dân cư cao, nhiều khu vực nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện ăn ở tạm bợ… Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay mưa nhiều, nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Sở Y tế đã kiểm tra công tác phòng chống dịch tại một số địa phương cho thấy vẫn còn tồn tại một số vấn đề như kế hoạch triển khai chưa cụ thể, phương tiện cho cán bộ làm công tác vệ sinh môi trường diệt bọ gậy chưa đầy đủ, hoạt động vệ sinh môi trường diệt bọ gậy chưa thực sự hiệu quả, nhiều ổ bọ gậy trong các hộ gia đình bị bỏ sót, tỷ lệ phun hóa chất chưa cao…
Chính vì vậy, Sở Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã quan tâm chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, các phòng, ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị y tế trên địa bàn xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn; yêu cầu các xã, phường, thị trấn có kế hoạch cụ thể, chi tiết để đáp ứng việc phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với ngành y tế tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường thu gom phế thải, phế liệu, không để cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có nơi cư trú, sinh sản, áp dụng các biện pháp diệt bọ gậy như thau rửa dụng cụ chứa nước, đậy nắp bể, thả cá vào các dụng cụ chứa nước, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh. Yêu cầu các hộ gia đình phối hợp tạo điều kiện để chiến dịch vệ sinh môi trường và phun hóa chất diệt muỗi đạt hiệu quả, triển khai triệt để tại các khu vực cơ quan, công trường, xí nghiệp, nghĩa trang, trường học.
Song song với việc tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại các xã, phường, thị trấn cũng như bố trí kinh phí cho công tác phòng chống dịch tại địa phương, Sở Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan truyền thông của địa phương tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết đến người dân. Tại những nơi ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết cần tổ chức họp tổ dân phố, cụm dân cư để thông báo tình hình dịch và hướng dẫn người dân biết cách chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Hồng Thương