Mục lục
Cúm mùa
– Bệnh cúm mùa là một bệnh nhiễm virut cấp tính lây lan dễ dàng từ người sang người.
– Các virus cúm mùa lan truyền khắp thế giới và có thể ảnh hưởng đến người ở bất kỳ lứa tuổi nào.
– Ở khí hậu ôn đới, dịch cúm mùa xảy ra chủ yếu vào mùa đông, trong khi ở các vùng nhiệt đới, dịch cúm màu không rõ ràng và dịch bệnh có thể xảy ra quanh cả năm.
– Cúm mùa là một vấn đề sức khoẻ cộng đồng nghiêm trọng có thể gây ra bệnh nặng và tử vong ở những người có nguy cơ cao.
– Dịch cúm có thể ảnh hưởng đến kinh tế do mất năng suất lao động và sử dụng các dịch vụ y tế.
– Tiêm phòng cúm là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh tật.
– Thuốc kháng virus có sẵn để điều trị, mặc dù virus cúm có thể phát triển đề kháng với thuốc.
Tổng quan
Bệnh cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp do virus cúm lan truyền khắp nơi trên thế giới.
Có 3 loại virus cúm mùa, A, B, và C. Vi rút cúm A được phân loại thành các phân nhóm khác do sự kết hợp của 2 loại protein khác nhau, haemagglutinin (H) và neuraminidase (N) nằm trên bề mặt của virus. Các phân type của virus cúm A đang lưu hành ở người là các chủng phụ cúm A (H1N1) và A (H3N2). Chỉ có virus cúm A mới có thể gây ra đại dịch.
Virus cúm B có thể được chia thành 2 nhóm chính, dòng B / Yamagata và B / Victoria.
Virus cúm A và B lưu hành và gây ra dịch bệnh. Vì lý do này, các chủng cúm A và B có liên quan được đưa vào sản xuất văcxin cúm mùa.
Virus cúm C được phát hiện ít hơn nhiều và thường gây bệnh nhẹ, do đó có ít liên quan đến sức khoẻ cộng đồng.
Dấu hiệu và triệu chứng
Cúm mùa đặc trưng bởi xuất hiện sốt đột ngột, ho (thường là ho khan), nhức đầu, đau cơ và khớp, khó chịu nghiêm trọng (cảm thấy không khỏe), đau họng và sổ mũi. Ho có thể nặng và có thể kéo dài từ 2 tuần trở lên. Hầu hết mọi người đều hồi phục sau sốt và các triệu chứng khác mất đi trong vòng một tuần mà không cần chăm sóc y tế. Tuy nhiên, cúm có thể gây ra bệnh nặng hoặc tử vong đặc biệt ở những người có nguy cơ cao. Thời gian từ khi nhiễm bệnh đến giai đoạn ủ bệnh, khoảng 2 ngày.
Ai có nguy cơ mắc cúm mùa
Dịch bệnh cúm hàng năm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các quần thể, nhưng nguy cơ biến chứng cao nhất xảy ra ở phụ nữ có thai, trẻ em từ 6 – 59 tháng tuổi, người già, người có các bệnh mãn tính đặc biệt như HIV / AIDS, hen suyễn và bệnh tim hoặc phổi mạn tính, và nhân viên y tế.
Lây truyền
Cúm mùa lây lan dễ dàng, lây lan nhanh ở những khu vực đông đúc bao gồm trường học và nhà dưỡng lão. Khi một người bị ho hoặc nhảy mũi, các giọt nhỏ chứa virus được phân tán vào không khí và lan truyền đến những người xung quanh phải hít thở những giọt này. Virus cũng có thể lây lan qua bàn tay bị nhiễm virus cúm. Để tránh lây truyền, mọi người nên che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho, và rửa tay thường xuyên.
Dịch bệnh theo mùa và gánh nặng bệnh tật
Ở khí hậu ôn đới, dịch bệnh theo mùa xảy ra chủ yếu vào mùa đông, trong khi ở các vùng nhiệt đới, cúm có thể xảy ra quanh năm, gây ra các đợt bùng phát dịch cúm không đều.
Bệnh có thể từ nhẹ đến nặng và thậm chí gây tử vong. Nhập viện và tử vong xảy ra chủ yếu ở các nhóm có nguy cơ cao. Trên toàn thế giới, những vụ dịch hàng năm ước tính gây ra khoảng 3 đến 5 triệu ca bệnh nặng và khoảng 250.000 đến 500.000 ca tử vong.
Ở các nước công nghiệp hóa, hầu hết các ca tử vong do cúm đều xảy ra ở những người từ 65 tuổi trở lên. Tác động của dịch cúm mùa ở các nước đang phát triển chưa được biết đầy đủ, nhưng ước tính nghiên cứu cho thấy 99% số ca tử vong là ở trẻ dưới 5 tuổi bị nhiễm trùng đường hô hấp do cúm.
Phòng ngừa
Cách hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh cúm màu là tiêm chủng. Vắc-xin an toàn và hiệu quả đã được sử dụng trong hơn 60 năm. Trong số những người trưởng thành khỏe mạnh, văcxin cúm cung cấp sự bảo vệ, ngay cả khi virus lưu hành có thể không trùng khớp chính xác với virus cúm trong vắc xin.
Trong số người tiêm chủng cúm, người cao tuổi có thể ít hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh tật nhưng làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh, giảm biến chứng và giảm tử vong. Chủng ngừa là đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ cao bị biến chứng cúm nghiêm trọng, kể cả đối với những người sống chung, hoặc chăm sóc người bệnh, cá nhân có nguy cơ cao.
Khuyến cáo tiêm chủng cúm mùa hàng năm của Who
– Phụ nữ mang thai ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ
– Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi
– Người trên 65 tuổi)
– Người mắc bệnh mãn tính
– Nhân viên y tế.
Ai không nên chích ngừa cúm
Người dị ứng nặng với vaccine, người đang mắc bệnh cấp tính nặng, người có tiền căn Guillain-Barre trong vòng 6 tuần sau khi chích vaccine trước đó, trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Điều trị
Thuốc kháng virus cúm mùa hiện có ở một số nước và có thể làm giảm các biến chứng nghiêm trọng và giảm tử vong. Lý tưởng nhất là cần được điều trị sớm (trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu triệu chứng). Hiện có 2 nhóm thuốc :
– Thuốc ức chế protein neuraminidase (oseltamivir, zanamivir, peramivir và laninamivir được cấp phép ở một số quốc gia).
– Thuốc Chẹn kênh proton M2 adamantanes (amantadine và rimantadine), hiệu quả điều trị hạn chế do bị kháng thuốc.
Hiện nay, phần lớn virus cúm lưu hành đang kháng với adamantanes và WHO khuyến cáo các thuốc ức chế neuraminidase như là thuốc điều trị đầu tiên cho những người cần điều trị bằng thuốc kháng virus.
Cúm gia cầm và cúm ở các loài gia súc khác
Con người có thể bị nhiễm các loại virus cúm gia cầm, như các chủng cúm A (H5N1), A (H7N9), A (H9N2), hoặc chủng cúm A (H1N1) và (H3N2) ở gia súc.
Nhiễm cúm gia cầm ở người chủ yếu được lây truyền thông qua tiếp xúc trực tiếp với động vật nhiễm bệnh hoặc môi trường bị ô nhiễm, nhưng sự lây truyền virus giữa người sang hạn chế. Không có bằng chứng cho thấy virus cúm gia cầm hoặc gia súc được lây truyền từ động vật sang người thông qua thực phẩm nấu chín.
Bệnh cúm gia cầm ở người có thể gây ra bệnh nhẹ từ viêm kết mạc mắt đến viêm phổi nặng và thậm chí tử vong.
Phần lớn các trường hợp nhiễm cúm A (H5N1) và A (H7N9) ở người có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với tiếp xúc gia cầm sống hoặc chết. Kiểm soát bệnh cúm gia cầm trong nguồn động vật là rất quan trọng để giảm nguy cơ đối với con người.
Gia cầm, gia súc mang virus không triệu chứng là nguồn lây khổng lồ không thể diệt trừ được. Để giảm thiểu nguy cơ sức khoẻ cộng đồng, cần thiết giám sát cúm ở cả quần thể động vật và người, điều tra kỹ lưỡng mọi trường hợp nhiễm cúm gia cầm khi có cảnh báo và giám sát nguy cơ xảy ra đại dịch là rất cần thiết./.
Bs. Nguyễn Hóa