Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh được thông qua trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới; tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hậu quả của COVID-19. Với sự nỗ lực của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, thế giới đã có những bước tiến lớn trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về vi rút gây bệnh; sản xuất và đưa vào sử dụng vắc xin phòng COVID-19, sử dụng các thuốc kháng vi rút trong điều trị bệnh nhân và kinh nghiệm trong triển khai các biện pháp đáp ứng phòng, chống dịch, góp phần làm giảm số mắc bệnh, số tử vong; dịch COVID-19 đã từng bước được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu.
Ngày 05/5/2023, sau hơn 03 năm xảy ra đại dịch, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác nhận COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế.
Ở nước ta, từ ngày 20/10/2023, COVID-19 được chuyển phân loại từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B theo Quyết định số 3896/QĐ-BYT ngày 19/10/2023 và các hoạt động phòng, chống COVID-19 được thực hiện theo quy định đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.
Tại Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, phù hợp các giải pháp chống dịch; dịch bệnh đã được ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát hiệu quả; góp phần quan trọng và tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh 27/12 năm nay có chủ đề “Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh”.Bộ Y tế đã đưa ra các thông điệp như sau:
– Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh;
– Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác;
– Chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở;
– Phòng, chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng;
– Thường xuyên rửa tay, vệ sinh cá nhân để phòng, chống dịch bệnh;
– Ăn chín, uống sôi, an toàn thực phẩm để phòng, chống dịch bệnh;
– Thường xuyên vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nơi ở để ngăn ngừa mầm bệnh phát triển;
– Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả để chủ động phòng, chống dịch bệnh;
– Quan hệ tình dục an toàn để phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tình dục;
– Thực hiện lối sống khoa học, dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức đề kháng;
– Không tiếp xúc động vật ốm, chết và không sử dụng thực phẩm không an toàn;
– Phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân: giữ ấm cơ thể; thể dục, thể thao; nâng cao thể trạng;
– Khi có dấu hiệu mắc bệnh, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, thăm khám kịp thời;
– Không tự ý mua, sử dụng kháng sinh để phòng và chữa bệnh;
– Thực hiện 2K (Khẩu trang-Khử khuẩn) để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm;
– Đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng, tại các địa điểm tập trung đông người.
Tại Đà Nẵng, Sở Y tế thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch hưởng ứng nhằm nâng cao ý thức của người dân và tăng cường sự tham gia của các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và cộng đồng trong việc sẵn sàng phòng bệnh từ sớm, từ xa, để hạn chế dịch bệnh bùng phát và chủ động, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai.
Các hoạt động hưởng ứng bao gồm các hoạt động truyền thông tập trung vào tuần trước, trong và sau Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó là tham gia các hoạt động do Trung ương tổ chức, phát động.
Sở Y tế yêu cầu các cơ quan, đơn vị y tế trên địa bàn lồng ghép nội dung hưởng ứng ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh (27/12) năm 2023, phong trào “Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe” và sử dụng các thông điệp truyền thông khi tổ chức triển khai các hoạt động theo kế hoạch của đơn vị; Cập nhật các tài liệu truyền thông, video clip truyền thông; tăng cường tuyên truyền các thông điệp, tài liệu truyền thông phòng chống dịch trên website, fanpage của đơn vị.