Ca COVID-19 mới lại tăng
Bộ Y tế cho biết, ngày 26/12 có 163 ca mắc COVID-19 nhiều hơn gần 100 ca so với ngày 25/12; trong ngày có 27 ca khỏi, không ghi nhận bệnh nhân tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.524.436 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.463 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.610.831 ca; trong số hơn 850 nghìn trường hợp đang theo dõi, giám sát số bệnh nhân đang thở oxy là 42 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 37 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 1 ca; Thở máy xâm lấn: 4 ca. Con số này tăng nhẹ so với hai ngày trước đó.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, dịch bệnh COVID-19 dự báo vẫn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. WHO đã lên tiếng cảnh báo về sự lưu hành hơn 500 biến thể phụ của Omicron, có khả năng lây truyền cao và tránh được hệ miễn dịch. WHO đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.
Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch. Đồng thời các nước cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch bệnh do biến thể mới
Hiện tình hình dịch bệnh COVID-19 ở các địa phương tiếp tục được kiểm soát. Tuy nhiên, Bộ Y tế dự báo tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp thời gian tới, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch bệnh do biến thể mới. Giai đoạn giao mùa tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp, dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch.
Ngoài ra, thời gian tới là dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao. Cộng với đó thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Theo Bộ Y tế, sự xuất hiện, tiến hóa của các biến thể mới dẫn đến miễn dịch giảm theo thời gian, xu hướng dịch khó dự báo.
Trong khi đó, hiện nay sự vào cuộc và tham gia của chính quyền và các ban ngành các cấp ở một số địa phương đã giảm đáng kể, không còn quyết liệt như giai đoạn đầu dịch/chiến dịch tiêm vaccine. Số người mắc COVID-19 thời gian qua giảm, trẻ em mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ, dẫn đến tâm lý chủ quan, lơ là tiêm chủng…
Đến nay, tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm là 265.380.041 liều, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.201.541 liều; Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.860.483 liều; Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.318.017 liều: Mũi 1 là 10.225.934 liều; Mũi 2 là 8.092.083 liều. Vẫn có nhiều địa phương dù Bộ Y tế đã nhắc tên nhiều lần nhưng vẫn tiêm chậm các mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, tiêm cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi.
Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan chuyên môn tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên và tăng cường tiêm chủng phòng COVID-19 cho trẻ em theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả./.
Hữu Quý
(Theo https://suckhoedoisong.vn/)