Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (đứng) và Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì cuộc họp về phòng, chống Covid-19. Ảnh: PHAN CHUNG
Nguy cơ dịch bệnh có thể trở lại bất cứ lúc nào
Chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, thời điểm này Đà Nẵng chưa ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19 có mối liên quan đến các ổ dịch vừa phát hiện nhưng không có nghĩa nguy cơ không còn. Chủng virus mới có tốc độ, cơ chế lây nhanh, dễ dàng, kết hợp với thời điểm trước, trong Tết Nguyên đán đang cận kề khiến Đà Nẵng không thể đứng ngoài cuộc.
“Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố, các sở, ban, ngành, địa phương, mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người dân phải luôn luôn trong thế chủ động với tâm thế dịch bệnh có thể trở lại trên 3 phương diện: Bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu và với bất cứ lĩnh vực nào. Chính vì thế, các phương án phòng, chống dịch phải luôn sẵn sàng và vận hành trong tâm thế như đang có dịch”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng lưu ý.
Liên quan đến các giải pháp vừa triển khai thời gian qua, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố khi đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thành viên triển khai các biện pháp phù hợp với tình hình thực tế của xã hội và cơ quan, đơn vị mình. Theo đó, căn cứ vào diễn biến dịch bệnh diễn ra tại một số địa phương, các chỉ đạo của Trung ương, Đà Nẵng đã nhanh chóng vào cuộc, kích hoạt nhiều biện pháp góp phần nâng cao nhận thức, ý thức phòng, chống dịch trong cộng đồng, trong đó có việc tuân thủ thông điệp 5K do Bộ Y tế ban hành.
Trước thời điểm Tết Nguyên đán đang cận kề, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung công tác phòng, chống dịch ở một số khu vực, địa điểm có nguy cơ cao; đặc biệt là những khu vực tập trung đông người như khu mua sắm, vui chơi, một số lễ hội. “Các hoạt động liên quan đến phục vụ Tết đã triển khai nay vẫn tiếp tục duy trì, phục vụ đời sống vật chất, tinh thần của người dân nhưng phải bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch. Riêng hoạt động bắn pháo hoa dịp giao thừa Tết Nguyên đán, công tác chuẩn bị vẫn tiếp tục, tùy diễn biến thực tế tại thời điểm đó, thành phố sẽ có quyết định cụ thể. Trong trường hợp hoạt động diễn ra như kế hoạch, đề nghị các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân mang khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn khi chứng kiến hoạt động này”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo. Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy cũng đề nghị kích hoạt trở lại hoạt động của các Tổ Covid-19 cộng đồng, vai trò của các tổ trưởng, bí thư chi bộ khu dân cư trong việc giám sát các hoạt động hằng ngày, bảo đảm an toàn, đồng thời giám sát việc tuân thủ thực hiện cách ly y tế đối với các công dân trở về từ vùng có dịch.
Không “ngăn sông cấm chợ” ảnh hưởng đến đời sống người dân
Đồng chủ trì buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh khẳng định quan điểm của thành phố trong phòng, chống Covid-19 giai đoạn này, đó là không “ngăn sông cấm chợ” ảnh hưởng đến đời sống người dân. “Điều cần làm chính là các cơ quan, đơn vị thành viên, căn cứ trên đặc thù, tình hình thực tế hoạt động của đơn vị để có những giải pháp kịp thời, hiệu quả”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh. Để sẵn sàng, chủ động trong các tình huống có thể xảy ra trong thời gian đến, lãnh đạo thành phố yêu cầu Sở Y tế chủ động, tập trung triển khai các biện pháp cần thiết trong điều trị, truy vết, xét nghiệm; lên kịch bản phòng, chống dịch khi số ca nhiễm Covid-19 tăng cao; các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh yêu cầu lực lượng công an thiết lập trở lại các điểm chốt chặn, phối hợp lực lượng chuyên môn khác kiểm soát tốt lượng người ra vào thành phố.
Thời điểm này Tết Nguyên đán đang cận kề nên nhiều địa phương, sở, ban, ngành đề xuất một số biện pháp; trong đó, tập trung vào việc duy trì một số hoạt động kinh tế, văn hóa trên cơ sở tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. Theo UBND quận Hải Châu, thống kê hiện có 300 gian hàng tham gia chợ hoa xuân trên địa bàn quận. Để bảo đảm an toàn, quận Hải Châu chỉ đạo lực lượng chuyên môn thực hiện khai báo y tế đối với chủ các gian hàng đến từ các địa phương khác.
Tương tự, tại địa bàn quận Liên Chiểu, nhiều điểm mua bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết bắt đầu hoạt động từ đầu tháng 2. “Đây là hoạt động kinh doanh thời vụ, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Quan điểm của địa phương là vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động này nhưng phải tuyệt đối tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch.”, ông Nguyễn Đăng Huy, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết.
Đề nghị các địa phương tăng cường xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng
Theo báo cáo Sở Y tế thành phố, bắt đầu từ ngày 29-1, lực lượng y tế bắt đầu điều tra, truy vết các trường hợp là công dân trở về từ vùng có dịch. Tính đến chiều 3-2, lực lượng y tế đã rà soát, ghi nhận 429 trường hợp, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 và có kết quả lần 1 với 422 trường hợp, lần 2 với 12 trường hợp. Hiện Đà Nẵng chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với SARS-CoV-2 có liên quan đến những ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận ở các địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Gia Lai…
Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế cho biết, song song với điều tra, truy vết, ngành y tế tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp trở về từ vùng dịch trên cả nước, trường hợp nhập cảnh, tiếp xúc gần, các trường hợp ho, sốt đến khám tại cơ sở y tế, nhân viên y tế tại các bệnh viện (khoa, phòng, vị trí có nguy cơ), các lực lượng làm nhiệm vụ tiếp nhận, cách ly người nhập cảnh. Tuy nhiên, theo bác sĩ Yến, điều đáng lo hiện nay là Việt Nam đã xuất hiện hai biến chủng của SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Anh (đã lây trong cộng đồng) và Nam Phi (trường hợp cách ly nhập cảnh) với cơ chế lây nhiễm dễ và nhanh hơn.
“Thực tế những ngày qua cho thấy Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác vẫn thường xuyên ghi nhận các ca mắc liên quan tới cộng đồng chứ không phải tất cả đều là những F1 đã được cách ly. Điều đó cho thấy các biến chủng mới có chu kỳ lây nhiễm ngắn, khả năng lây lan cao hơn chủng cũ. Hiện nay là thời điểm sắp đến Tết Nguyên đán, lượng người lưu thông đông, số lượng người dân từ các tỉnh, thành phố, kể cả các tỉnh, thành phố đang có dịch về Đà Nẵng nhiều. Do đó, nguy cơ Covid-19 xuất hiện là rất lớn”, bác sĩ Yến nêu quan điểm.
Hiện ngành y tế đã ban hành quy định cách ly, xét nghiệm đối với trường hợp về từ vùng dịch. Tuy nhiên, để phù hợp với diễn biến, tình hình mới, Sở Y tế tiếp tục đề xuất thêm các biện pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả phòng, chống dịch; trong đó nghiên cứu điều chỉnh một số quy định liên quan đến thời gian cách ly, xét nghiệm đối với những trường hợp trở về từ vùng có dịch; nâng số lần xét nghiệm lên thành 3 lần đối với những trường hợp được xét nghiệm.
“Chúng tôi cũng đề nghị các địa phương tăng cường xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng, thực hiện khai báo y tế tại những khu vực này để xử lý kịp thời các trường hợp đến từ vùng dịch. Ngoài ra, cần tăng tần suất, hiệu quả, quy mô truyền thông, trong đó nêu cao tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt thông điệp 5K của Bộ Y tế; khuyến khích người dân đón Tết tại chỗ, không trở về địa phương”, bác sĩ Yến cho biết thêm.
ĐÀ NẴNG SẴN SÀNG, CHỦ ĐỘNG MỌI PHƯƠNG ÁN PHÒNG, CHỐNG COVID-19
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và xử phạt nghiêm tình trạng bất chấp các quy định của Trung ương, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này.