Phun hóa chất xử lý môi trường |
Ngay lúc này, công tác xử lý ô nhiễm môi trường sau lũ lụt trở thành vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây là vấn đề luôn được các ngành và các cấp chính quyền địa phương quan tâm nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm, chủ động phòng chống dịch bệnh sau mùa mưa lũ, bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Bác sỹ Trần Sỹ – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Hòa Vang thông tin: Trong đợt lũ lụt vừa qua, toàn huyện có 11/11 xã, 87/113 thôn ngập lụt nặng, trong đó, một số khu vực bị ngập sâu, chia cắt hoàn toàn. Qua điều tra thực tế các điểm ngập nặng, ngập úng sâu tại các xã, Trung tâm Y tế huyện Hòa vang nhanh chóng triển khai xử lý vệ sinh môi trường tại 36điểm công cộng bị ô nhiễm tại 6 xã trên địa bàn huyện… Song song đó, đội ngũ các bộ y tế thôn được bố trí bám sát địa bàn đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân kịp thời dọn vệ sinh, nước rút đến đâu dọn đến đó, tổ chức thu gom, xử lý rác thải, xác súc vật chết và đề phòng các tai nạn thương tích đáng tiếc xảy ra. Đồng thời, đội ngũ cán bộ y tế tuyên truyền và hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước tại giếng đào gia đình để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt.
Cán bộ y tế hướng dẫn xử lý khử khuẩn nước giếng sinh hoạt gia đình |
Cùng với sự nỗ lực của ngành y tế ngay khi lũ rút, lãnh đạo chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng, đoàn viên thanh niên, hội viên chữ thập đỏ… từ xã đến thôn cùng với các lực lượng vũ trangnhanh chóng vào cuộc để hỗ trợ người dân. Ông: Đặng Mười – Bí thư thôn Túy Loan đông 2 cho biết: Ngay sau khi nước rút, cùng với y tế, các hội, đoàn thể và Ban nhân dân thôn cũng tham gia xử lý môi trường. Ưu tiên hàng đầu là xử lý các công trình công cộng ngập sâu trong nước như chợ, trường học, những tuyến đường để thuận tiện giao thông và tham gia hỗ trợ các gia đình bà con tại các xã bị ngập sâu vệ sinh nhà cửa, thu gom rác thải.
Bão lũ có thể mang lại những rủi ro sức khỏe tiềm ẩn bởi các dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh ngoài da, các bệnh về mắt, bệnh phụ khoa cũng như các bệnh đường ruột sẽ có cơ hội bùng phát sau khi mưa lũ đi qua. Với sự nỗ lực của ngành Y tế cùng chính quyền các cấp về bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ, hơn ai hết mỗi người dân cần chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Đó là thực hiện ăn chín, uống chín, sử dụng nước sạch trong ăn uống, bảo đảm an toàn thực phẩm và thường xuyên rửa tay với xà phòng. Đảm bảo vệ sinh cá nhân hằng ngày để phòng tránh bệnh sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn. Thực hiện vệ sinh môi trường sau mưa lũ, tổ chức thu gom, xử lý rác, chôn xác động vật và tẩy uế. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất xác gia súc, gia cầm. Phối hợp với ngành y tế phun hóa chất để khử khuẩn môi trường, diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ để hạn chế nguy cơ bệnh truyền nhiễm bùng phát và lây lan.
Thanh Bình