Theo Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, WHO công bố COVID-19 là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế vào ngày 30/1/2020. Tại thời điểm đó, có khoảng gần 100 ca mắc ở các quốc gia khác ngoài Trung Quốc và chưa ghi nhận ca tử vong. Và như chúng ta đã biết, nhiều đợt bùng phát đã xảy ra sau đó và trong 3,5 năm qua. Theo đề xuất của Ủy ban khẩn cấp của WHO, sự bùng phát các ca bệnh có đủ yếu tố cầu thành Tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế, trên cơ sở sự bùng phát các ca mắc là một sự kiện chưa từng có tiền lệ đe dọa an ninh y tế công cộng toàn cầu, có nguy cơ lây lan ra nhiều quốc gia và cần sự phối hợp ứng phó ở cấp độ toàn cầu. Tổng giám đốc của WHO đã chấp thuận đề xuất của Ủy ban khẩn cấp nâng cấp cảnh báo lên cao nhất theo Điều lệ y tế quốc tế và công bố COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về y tế gây quan ngại quốc tế.
Ngày 5/5/2023, Tổ chức Y tế thế giới đã có công bố kết thúc tình trạng khẩn cấp về y tế gây quan ngại toàn cầu theo đề xuất của Ủy ban khẩn cấp của WHO, căn cứ vào một số lý do dưới đây:
Thứ nhất, dựa trên tình hình dịch tễ học về xu hướng giảm trên toàn cầu trong thời gian gần đây về số ca tử vong, số ca nhập viện, đặc biệt là giảm số ca phải chăm sóc tích cực (ICU). Hiện tại, phân tích dữ liệu của chúng tôi cũng cho thấy không có sự gia tăng mức độ nghiêm trọng về lây truyền dịch bệnh đối với các biến thể đang lưu hành. Đã 3,5 năm qua kể từ khi đại dịch bắt đầu, chúng ta đã có miễn dịch cộng đồng cao nhờ tiêm vắc xin phòng COVID-19 và miễn dịch tự nhiên do số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng rất nhiều. Và đó là một lý do rất quan trọng để WHO đưa ra quyết định chấm dứt tình trạng khẩn cấp của COVID-19.
Thứ hai, đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi những công cụ để ứng phó và phòng, chống COVID-19. COVID-19 không còn là sự kiện chưa từng có tiền lệ nữa, vi rút đã và đang tồn tại. Chính vì vậy, thay vì quản lý theo tình trạng khẩn cấp, chúng ta cần chuyển hướng sang quản lý dài hạn và bền vững cùng với các bệnh truyền nhiễm khác.
Nhưng có một điểm tôi muốn nhấn mạnh là, việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với COVID-19 không có nghĩa rằng đã chấm dứt đại dịch hoặc COVID-19 không còn là mối đe dọa trên toàn cầu hay ở Việt Nam. Một ví dụ chúng ta có thể thấy rõ là đang có sự gia tăng số ca mắc gần đây ở Việt Nam. Việc công bố này cũng không có nghĩa là vi rút đã biến mất hay là COVID-19 đã trở nên ít nguy hiểm hơn. Và điều chắc chắn là chúng ta không được mất cảnh giác, và đây cũng là điều mà Tổng giám đốc WHO cũng đã rất nhấn mạnh ở trong buổi họp báo vào thứ Sáu tuần trước, đó là “Điều tồi tệ nhất mà bất kỳ quốc gia nào có thể làm lúc này là sử dụng tin tức này làm lý do để mất cảnh giác, dỡ bỏ các hệ thống mà họ đã xây dựng hoặc gửi đi thông điệp tới người dân rằng COVID-19 không có gì phải lo lắng”.
Về câu hỏi: “Có nên coi COVID-19 như bệnh cúm mùa?” Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đã đưa ra ba luận điểm như sau:
“Thứ nhất, tôi đồng ý rằng có những điểm tương đồng giữa cúm mùa với bệnh COVID-19, đó là cả hai bệnh này đều do tác nhân gây bệnh đường hô hấp.
Tuy nhiên, với hai luận điểm tiếp theo, tôi sẽ thận trọng về việc có nên coi COVID-19 là bệnh theo mùa: Đầu tiên, từ tất cả các đợt bùng phát ở các quốc gia, chúng ta thấy rằng COVID-19 không theo mùa, trong khi cúm mùa thường xuất hiện vào mùa đông. Thứ hai, tôi muốn nhắc nhở để chúng ta nhớ rằng, COVID-19 vẫn là một căn bệnh còn rất mới với chúng ta. Trong khi các nhà khoa học trên thế giới đã có hàng thập kỷ nghiên cứu về cúm mùa, từ các dữ liệu dịch tễ học, dự đoán được cách thức hoạt động, biến đổi của vi rút, và vi rút ảnh hưởng khác nhau với nhóm dân số khác nhau như thế nào. Với COVID-19, chúng ta mới có hơn ba năm nghiên cứu về nó. Như vậy có thể nói rằng quá sớm để nói chúng ta có thể dự đoán được cách thức hoạt động, biến đổi của COVID-19 trong tương lai. Chính vì vậy, việc công bố kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch không có nghĩa là COVID-19 đã kết thúc. Đây chỉ là một tín hiệu rằng chúng ta cần chuyển hướng sang quản lý bền vững COVID-19”.
(Theo Bộ Y tế)