Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp đôn đốc các cơ quan báo chí truyền thông, chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Bạch Hầu để người dân tích cực, chủ động thực hiện, khi có dấu hiệu mắc bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
UBND các quận, huyện phối hợp chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh Bạch Hầu tại cộng đồng, nhất là tại các cơ sở giáo dục, mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình, cơ sở trông giữ trẻ trên địa bàn. Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu của bệnh, phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Chỉ đạo Phòng Y tế, Phòng Giáo dục và các lực lượng địa phương phối hợp với cơ quan y tế tăng cường công tác hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Bạch Hầu; nâng cao vai trò của Cộng tác viên Dân số-Y tế-Trẻ em trong công tác phát hiện sớm, thông tin cho cơ quan y tế, hướng dẫn xử lý, phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế các quận, huyện tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn về mặt chuyên môn đối với y tế cơ sở, các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác phòng, chống dịch Bạch Hầu. Thực hiện quyết liệt các biện pháp điều tra, giám sát, phát hiện sớm (nhất là các trường hợp trở về từ những khu vực ghi nhận ca bệnh), xử lý ca bệnh, ổ dịch, phòng, chống dịch bệnh Bạch Hầu theo quy định của Bộ Y tế. Hướng dẫn người tiếp xúc gần, người trong ổ dịch (nếu có) sử dụng kháng sinh dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh.
Tăng cường công tác truyền thông bằng nhiều hình thức, phương tiện, nội dung để người dân tiếp cận được thông tin, chủ động thực hiện, bảo vệ sức khỏe gia đình và cộng đồng, không hoang mang, lo lắng; đồng thời tuyên truyền về hiệu quả của việc tiêm vắc xin phòng bệnh Bạch Hầu để người dân tích cực tham gia tiêm chủng đầy đủ; đặc biệt là những khu vực, xã, phường có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao; trong trường hợp khó khăn báo cáo ngay cho Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, chính quyền địa phương để phối hợp giải quyết.
Thường xuyên, chủ động theo dõi, đánh giá tình hình dịch bệnh Bạch Hầu trên cả nước, trong trường hợp cần thiết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chủ trì, phối hợp với các đơn vị, khẩn trương tham mưu Sở Y tế triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh Bạch Hầu hiệu quả trên địa bàn thành phố.
Các Trung tâm Y tế các quận, huyện tham mưu UBND các quận, huyện, phối hợp với UBND các xã, phường tăng cường chỉ đạo, triển khai mạnh mẽ các hoạt động truyền thông, giám sát, điều tra, phòng, chống dịch tại cộng đồng, trường học; nâng cao vai trò của Cộng tác viên Dân số-Y tế-Trẻ em trong công tác thông tin, báo cáo, hỗ trợ giám sát, hướng dẫn phòng, chống bệnh Bạch Hầu
Sở y tế cũng chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn khẩn trương tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Bạch Hầu ban hành kèm theo Quyết định số 2957/QĐ-BYT ngày 10/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm, bao gồm cả các cơ sở y tế bộ, ngành, tư nhân trên địa bàn. Đồng thời, rà soát quy trình, trang thiết bị, thuốc, vật tư theo hướng dẫn để tổ chức thực hiện việc khám sàng lọc, cách ly, thu dung, điều trị người bệnh Bạch Hầu theo quy định, hạn chế tới mức thấp nhất tỉ lệ tử vong. Bảo đảm công tác phòng lây nhiễm chéo cho người bệnh và nhân viên y tế trong cơ sở khám, chữa bệnh. Đối với các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ Bạch Hầu ưu tiên lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Bạch Hầu và triển khai thực hiện ngay việc lấy mẫu làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn sớm để định hướng điều trị. Đặc biệt, tăng cường công tác truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế biết được các dấu hiệu của bệnh để đi khám sớm và nắm được các biện pháp phòng bệnh./.
Châu Anh