Chương trình Mục tiêu Y tế – Dân số là một trong những chương trình y tế lớn, bao phủ rộng khắp cả nước được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017. Chương trình Mục tiêu Y tế – Dân số giai đoạn 2016-2020 được triển khai nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh, phát hiện sớm, kịp thời khống chế, không để dịch lớn xảy ra; giảm tỷ lệ mắc, tử vong một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khống chế tốc độ gia tăng các bệnh không lây nhiễm phổ biến, bệnh tật lứa tuổi học đường bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, Chương trình góp phần nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm, bảo đảm cung cấp máu, an toàn truyền máu, phòng chống hiệu quả một số bệnh lý huyết học; khống chế và giảm tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng để giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Chương trình được triển khai nhằm duy trì mức sinh thay thế, hạn chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tăng cường công tác kết hợp quân dân y trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân vùng biên giới, biển đảo và vùng trọng điểm an ninh quốc phòng…
Qua đánh giá, tổng kết Chương trình mục tiêu Y tế – Dân số giai đoạn 2016-2020, được sự quan tâm của Trung ương, chính quyền địa phương, ngành y tế Đà Nẵng đã đạt mục tiêu mà Trung ương đã đề ra. Cho đến nay phần lớn các chỉ tiêu chuyên môn đều đạt hoặc vượt so với chỉ tiêu giao. Tính đến 31/12/2020, chỉ có 06/60 chỉ tiêu không đạt kế hoạch giao của giai đoạn 2016-2020 và đây cũng là những chỉ tiêu được Bộ Y tế ghi nhận chung của nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc.
Các hoạt động, dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Y tế – Dân số đã được triển khai đầy đủ, đồng bộ và có hiệu quả. Kể từ năm 2015, các chỉ tiêu thiên niên kỷ của Đà Nẵng đã vượt xa so với toàn quốc như đảm bảo quy mô dân số ổn định, tỷ số giới tính khi sinh đạt tỷ lệ 106 trẻ so sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái vào năm 2015 và tiếp tục giảm. chất lượng dân số ngày một nâng cao, tuổi thọ trung bình đạt trên 76,0 tuổi; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em <5 tuổi về cân nặng theo độ tuổi luôn thấp nhất cả nước (3,6%).
Nhờ có Chương trình Mục tiêu Y tế – Dân số, ngành y tế địa phương đã mạnh dạn triển khai nhiều mô hình y tế hay tại địa phương như mô hình quản lý bệnh không truyền nhiễm tại cộng đồng, từng bước triển khai phát triển mô hình y tế cơ sở theo nguyên lý y học gia đình, năng lực triển khai các hoạt động mang tính cộng đồng được tăng lên,…
Chương trình cũng đã đạt được một số hoạt động điển hình như: công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh không lây nhiễm; công tác tiêm chủng mở rộng; dân số và phát triển; phòng chống HIV/AIDS; truyền thông y tế và theo dõi đánh giá chương trình.
Để đạt được kết quả đó, ngành y tế Đà Nẵng đã luôn nhận được sự quan tâm và chỉ đạo về mọi mặt của Bộ Y tế, của các cơ quan ngành dọc, của Ủy ban nhân dân thành phố cùng các sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố. Sự đồng thuận của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành y tế đã góp phần làm cho công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao và đạt kết quả tốt. Phát huy được mạng lưới hoạt động ổn định từ thành phố đến cơ sở, duy trì và phát triển tốt các thành quả của giai đoạn trước,…
Bên cạnh những thuận lợi, ngành y tế Đà Nẵng còn gặp phải một số hạn chế khi thực hiện như: bị động nguồn kinh phí nên ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ xây dựng kế hoạch đầu năm; chỉ tiêu giao chưa thật sát với tình hình thực tế, khó thu thập và đánh giá các dữ liệu,…
trong các hoạt động của Chương trình mục tiêu Y tế – Dân số giai đoạn 2016-2020
Hội nghị cũng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ thực hiện Chương trình Mục tiêu Y tế – Dân số giai đoạn 2021-2025 với những mục tiêu cụ thể, chi tiết, tiếp nối với những thành quả đã đạt được của giai đoạn 2016-2020, góp phần thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, hình thành hệ thống chăm sóc đồng bộ từ tuyến thành phố đến cơ sở và nâng cao ý thức giữ gìn sức khỏe của người dân.