Hiện nay, tại Đà Nẵng, thời tiết nắng nắng nóng liên tục kéo dài, xuất hiện các đợt mưa bất chợt vào chiều và ban đêm nên thuận lợi cho sự phát sinh lăng quăng, muỗi, tăng nguy cơ lây lan bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới nếu chúng ta không thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Từ những việc rất đơn giản hằng ngày
Mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, công sở hãy chung tay thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết:
– Dành 10 – 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi như: lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 01 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,…
– Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.
– Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.
– Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.
Bên cạnh đó, mỗi người dân cần tích cực phối hợp với ngành y tế trong việc phun hóa chất, xử lý môi trường. Người dân cần đóng kín các cửa sổ, cửa ra, lỗ thông gió vào khi phun thuốc. Cần thu dọn dụng cụ thực phẩm trước khi phun để không bị nhiễm hóa chất. Sau khi phun thuốc nên ra khỏi nhà và quay lại sau khoảng 30 phút đến 1 tiếng. Với một số người có cơ địa nhạy cảm, nếu bị dính thuốc trên người thì cần phải rửa sạch, nặng hơn thì phải đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị.
Phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh! Từ những hành động nhỏ của mỗi người, mỗi gia đình sẽ mang lại hiệu quả lớn trong việc phòng bệnh sốt xuất huyết. Hãy cũng chung tay hành động để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng trước dịch bệnh Sốt xuất huyết./.