Thực hiện cách ly bắt buộc với tất cả những người nhập cảnh.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia tại cuộc họp, thế giới ghi nhận 245.626 trường hợp mắc COVID-19 tại 181 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 7 quốc gia có trên 10.000 ca mắc, 9 quốc gia có từ trên 1.000 đến dưới 10.000 ca mắc; 165 quốc gia/vùng lãnh thổ có dưới 1.000 ca mắc.
Tại châu Âu, ghi nhận 58 quốc gia, vùng lãnh thổ có báo cáo trường hợp nhiễm COVID-19 với tổng cộng 87.108 trường hợp mắc và 4.084 trường họp tử vong (tính đến hết ngày 19/3). Italy tiếp tục là quốc gia có số mắc và tử vong cao nhất tại châu Âu, chiếm 41% số mắc và 73% số tử vong; Tây Ban Nha: 16% số mắc và 15% số tử vong; Pháp: 10% số mắc và 6% số tử vong.
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, Việt Nam hiện ghi nhận 87 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 17 trường hợp khỏi bệnh, (16 trường hợp đã ra viện hoàn toàn, 1 bệnh nhân số 18 đã khỏi bệnh và được chuyển từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình sang Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình để theo dõi sức khoẻ), 70 bệnh nhân đang điều trị. Trong đó, có 2 bệnh nhân nặng đang phải điều trị tích cực, các trường hợp còn lại sức khỏe ổn định. Trong đó có 2 trường hợp mắc bệnh là nhân viên y tế (2 nữ điều dưỡng- PV) của Bệnh viện Bạch mai. Qua dịch tế bước đầu khẳng định trường hợp này không phải lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, từ 0h ngày 21/3 thực hiện cách ly bắt buộc với tất cả những người nhập cảnh. Đối với người nước ngoài có hộ chiếu ngoại giao thì thực hiện cách ly tại nhà, cơ sở lưu trú theo hướng dẫn. Đối với những người nước ngoài có hộ chiếu phổ thông thì tạm thời lưu giữ tại khu cách ly trong vòng 24 giờ và báo cáo Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao để thống nhất biện pháp cách ly phù hợp.
Khuyến khích người dân ít ra nơi công cộng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Bộ Chính trị đã đánh giá, biểu dương sự cố gắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong phòng chống dịch COVID-19, đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, còn nhiều lỗ hổng, nhiều khuyết điểm, tồn tại, khả năng lây nhiễm ra cộng đồng rất cao, khả năng dịch bùng phát rất lớn, cho nên không được chủ quan, thỏa mãn mà phải thấy khuyết điểm, tồn tại để khắc phục tốt hơn.
Thủ tướng vận động xã hội thay đổi thói quen giao dịch trực tuyến, giao dịch trên điện thoại, ít giao tiếp để tránh lây nhiễm. Các tổ chức tôn giáo, tu hành tại gia, các đám giỗ, lễ lạt hạn chế tổ chức đông người. Đối với những nơi công cộng phải đeo khẩu khang 100%. Khuyến cáo mọi người dân ít ra nơi công cộng. Đồng thời đề nghị đóng cửa đối với những hình thức giải trí như karaoke, massage… ở các địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc cùng Bộ Y tế, quân đội, công an và các lực lượng có liên quan. “Hệ thống chính trị phải vào cuộc mạnh mẽ hơn trên tinh thần các đoàn viên, hội viên dưới sự đạo của Bộ, ngành y tế, đi tận ngõ, gõ từng nhà, đến từng hộ dân của mình thống kê nắm các ca nhiễm, các đối tượng đã đi các phương tiện dễ lây nhiễm để biết được quản lý. Tổ dân phố, chính quyền là một “pháo đài” thì các đồng chí phải làm tốt thống kê, nắm tình hình, diễn biến của các cá nhân có liên quan trong khu vực của mình để có giải pháp cụ thể hơn để không “mò kim đáy bể”.
Xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp trốn cách ly
Về những mục tiêu cụ thể trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu: Ngăn chặn đỉnh dịch ở mức độ tối đa; không để lây ra cộng đồng.
Thủ tướng chỉ đạo hạn chế tối đa mọi đối tượng vào Việt Nam kể cả bằng đường hàng không, đường bộ, đường biển. Dừng cấp visa cho mọi đối tượng vào Việt Nam từ 0h ngày 21/3.
Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và các các đại sứ quán phải vận động bà con ở lại để được hưởng chế độ y tế cần thiết. Trong trường hợp bà con vẫn muốn về nước thì cần thông báo với sứ quán, phải tập hợp trong thời điểm thích hợp theo chuyến bay được sắp xếp cụ thể, theo đợt có đăng ký và giám sát chặt chẽ. Tất cả mọi người nhập cảnh vào Việt Nam đều phải cách ly tập trung 100%. Xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp trốn cách ly.
Thủ tướng cũng đề nghị, các cấp, các ngành, đặc biệt là Bộ Y tế và thành viên Ban Chỉ đạo có cơ chế giải quyết thuận lợi hơn, thông thoáng hơn. Các bộ chức năng phải giải quyết công việc như “thời chiến”, không phải trình qua, trình lại, chậm trễ vấn đề đặt ra. Các cấp, các ngành phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn cho cấp dưới thực hiện. Lãnh đạo phải bình tĩnh, cương quyết và kịp thời xử lý các tình huống đặt ra. Quân đội là cơ quan điều hành các cơ sở cách ly tập trung.
Vai trò của truyền thông : “Chúng ta tin rằng chúng ta sẽ làm được điều đó”
Đánh giá cao vai trò của truyền thông, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần lớn là nỗ lực chiến thắng COVID-19, “chúng ta tin rằng chúng ta sẽ làm được điều đó”, không tạo nên sự bi quan trong xã hội, mà củng cố niềm tin cho người dân. Đặc biệt, truyền thông về nhiều mô hình tốt, sự nhân ái, sự hỗ trợ của cộng đồng, của các nhà khoa học, của các nhân viên ngành y tế trong thời gian qua. Phải truyền thông mạnh mẽ các biện pháp dự phòng hiệu quả, giảm kỳ thị và sợ hãi của xã hội. Chủ động thông tin những ca nặng, có khả năng tử vong để người dân không hoang mang…
Thủ tướng yêu cầu tinh thần quyết tâm, quyết liệt ngăn chặn kiểm soát dịch bệnh từ bên ngoài vào. Ngành Y tế và các cơ quan chức năng chủ động phát hiện sớm các ca mắc COVID-19 để có biện pháp xử lý kịp thời tránh lây lan, xử lý điều trị tích cực trong điều trị các ca bệnh, hạn chế tử vong; chủ động đề xuất phối hợp với các địa phương, lực lượng Quân đội, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường cơ sở tổ chức cách ly.
(Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/)