Trao đổi về điều này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: Ngoài các chuyên gia điều trị, Bộ Y tế còn điều động những bác sĩ tâm lý phục vụ phòng chống dịch. Việc tham gia của chuyên gia này trong phòng chống dịch, thảm họa và tình huống khẩn cấp là rất cần thiết vì khi tinh thần hoảng loạn sẽ tạo sự hoang mang cho xã hội. Vì thế nếu ổn định được tâm lý sẽ làm giảm bớt ảnh hưởng có hại cho xã hội. Do vậy bên cạnh công tác truyền thông thì việc ổn định tâm lý người dân cũng hết sức quan trọng không chỉ bằng các bác sĩ mà còn bằng các thông tin cũng như các hành động để làm người dân an tâm và tin tưởng hơn trong công tác phòng chống dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tại tâm dịch Đà Nẵng.
Cần giảm thiểu mức độ lo lắng và chống các yếu tố gây nhiễu
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tuấn – Phó Viện trưởng Viện sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai; Trưởng Bộ môn Tâm thần – Trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ: COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường. Giai đoạn 2 này, tâm dịch Đà Nẵng căng thẳng hơn nhiều so với đợt trước. Đại dịch gây ra bệnh tật, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn còn hiện hữu, tiềm ẩn trên nhiều địa phương. Đời sống của người dân bị đảo lộn, sự lo lắng, căng thẳng, thậm chí hoảng loạn là điều khó tránh khỏi. Có thể gọi hiện tượng này là sang chấn tâm lý xã hội.
Tâm lý xã hội đóng vai trò quan trọng trong điều trị và khống chế dịch bệnh.
Để hạn chế tình trạng này, người dân nên lưu ý thực hiện các biện pháp sau:
Cần giảm thiểu mức độ lo lắng và chống các yếu tố gây nhiễu. Yếu tố gây nhiễu có thể kể đến, là thông tin không chính xác, là sự nhận thức quá mức về bệnh tật của người dân,… Khi đó, tâm trí và cơ thể dễ rơi vào tình trạng quá tải, hoảng loạn ngay trong lúc thức, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
Được tuyên truyền, giáo dục đúng về bệnh tật và phòng chống bệnh tật. Tuyệt đối không chủ quan, cũng không lo lắng thái quá về tình hình dịch bệnh. Mỗi người dân hãy là một chiến sỹ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh, nói không với fakenews và thực hiện đúng hướng dẫn, chỉ thị của Chính phủ, của Bộ y tế và các cơ quan chức năng.
Tăng cường sự chống đỡ của cơ thể. Học các thư giãn vì các phương pháp thư giãn có thể có cảm giác dễ chịu và tinh thần tỉnh táo, giúp giảm lo lắng và lo âu . Nó còn có thể nâng cao khả năng kiểm soát căng thẳng của bản thân. Khi thư giãn, lưu lượng máu lên não được tăng lên và sóng não chuyển từ beta cảnh báo sang nhịp alpha thư giãn. Luyện tập thường xuyên các phương pháp thư giãn có thể giúp chống lại các ảnh hưởng suy nhược của căng thẳng . Phương pháp phổ biến gồm Hít thở sâu; Thiền; Nghe nhạc; Yoga,…Ngoài ra, một chế độ dinh dưỡng đảm bảo dinh dưỡng cũng giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
P. Huyền
https://suckhoedoisong.vn