Nội dung của buổi hội nghị trực tuyến gồm: hướng dẫn về tiêm chủng vắc xin COVID-19; Hướng dẫn khám sàng lọc và tổ chức tiêm ngừa vắc xin COVID-19; Hướng dẫn và xử lý sau tiêm vắc xin; và các trao đổi liên quan đến vấn đề tiêm chủng.
Nguy cơ xuất hiện đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam
GS, TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã kiểm soát thành công ba đợt dịch. Đợt dịch cuối cùng tại Hải Dương có số nhiễm Covid-19 khá cao và đến thời điểm hiện nay vẫn có một số ca mắc rải rác. Điều này là bởi do chúng ta thực hiện cách ly, truy vết rất tốt, nhưng đôi khi tại một vài địa bàn, một số nơi chưa thực hiện triệt để. Bộ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh các nước trong khu vực tình hình dịch còn phức tạp, chúng ta quan ngại xuất hiện đợt dịch thứ tư.
Trong sáng nay, Việt Nam ghi nhận hai ca bệnh nhập cảnh trái phép qua đường biển vào Phú Quốc về Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh. Bộ trưởng yêu cầu các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch về xét nghiệm, truy vết, cách ly, điều trị, để khi xảy ra dịch sẽ không bỡ ngỡ.
Phải bảo đảm an toàn tiêm chủng tại các địa phương
Bộ trưởng cho biết, hiện nay, thế giới có hơn 250 loại vắc xin được các nước nghiên cứu, phát triển nhưng chỉ có 13 loại được cấp phép với tổng số có 486 triệu liều trên toàn cầu. Nhiều nước, ngay từ đầu đã đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu vắc xin và mua vắc xin. Do đó, cuộc đua vắc xin và thiếu hụt nguồn cung vắc xin đang là vấn đề với cả thế giới. Khi vắc xin chưa phát triển, nhiều nước đã mua với số lượng lớn. Hiện nay có gần 30 nước mua quá so với nhu cầu thực tế của người dân, có nước lên tới 400%. GS. TS Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua, Việt Nam cố gắng đàm phán với các hãng vắc xin trên thế giới, thảo luận đề nghị cung ứn g vắc xin cho Việt Nam. Trước đó, Việt Nam cũng đã có trao đổi với các nước trong hợp tác nghiên cứu, sản xuất vắc xin Việt Nam và sẵn sàng cùng tham gia thử nghiệm giai đoạn 3. Tuy nhiên, việc thử nghiệm vắc xin giai đoạn 3 tại Việt Nam khó khăn vì chúng ta không phải là nước có dịch bùng phát.
Ngay từ năm 2020, Việt Nam đã thúc đẩy tiến trình nghiên cứu vắc xin và đến nay có bốn đơn vị nghiên cứu, trong đó có hai đơn vị đã có vắc xin đưa vào thử nghiệm giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Việc thử nghiệm này cũng được đánh giá an toàn với người sử dụng, nhưng về hiệu quả vắc xin, chúng ta cần phải cần đánh giá kết quả sau khi thử nghiệm giai đoạn 3.
Phản ứng phụ của vắc xin:
Bộ trưởng cho biết, hiện nay, có một số người dân có tâm lý e ngại phản ứng không mong muốn sau tiêm vắc xin AstraZeneca. Tuy nhiên, mọi loại vắc xin cả cũ và phát triển thời gian gần đây đều có phản ứng thông thường và phản ứng không mong muốn. Vừa qua, châu Âu dừng lại việc tiêm vắc xin để đánh giá về tình trạng đông máu sau tiêm. Nhưng theo kết quả đánh giá mới nhất của Cơ quan Dược phẩm Châu Âu, không có tuyên bố nào về tình trạng đông máu có liên quan đến vắc xin này. Hiện nay, một số nước đã quay trở lại tiêm vắc xin. Vì thế Bộ trưởng cho rằng “Chúng ta không vì lý do đó mà chậm lại việc tiêm vắc xin”.
Theo Bộ trưởng, phản ứng không mong muốn sau tiêm vắc xin AstraZeneca tại Việt Nam đều nằm trong khuyến cáo của nhà sản xuất và của Tổ chức Y tế thế giới. Báo cáo gần đây nhất, tỷ lệ phản ứng của AstraZeneca còn thấp hơn so với một số loại vaccine khác.
“Chúng ta phải hết sức bình tĩnh, trên quan điểm xử lý cao hơn một mức. Có một số trường hợp có phản ứng sau tiêm mặc dù chưa phải xử lý phản vệ độ 2 nhưng các địa phương đã xử lý ngay. Chúng tôi hoan nghênh các địa phương xử trí kịp thời phản ứng phụ sau tiêm và nâng cao một bước so với hướng dẫn”, Bộ trưởng nói.
Về các trường hợp phản ứng sau tiêm, hiện nay, Hội đồng chuyên môn đang đánh giá thực chất mức độ phản ứng như thế nào. Bệnh viện Bạch Mai đã có rà soát kỹ lưỡng và xác định, hiện nay Việt Nam chưa có trường hợp nào bị đông máu nào có phản ứng nặng. Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ sở y tế phải có phản xạ nhanh, sau khi tiêm vắc xin nếu xuất hiện các triệu chứng phản ứng thì phải xử lý càng sớm, càng tốt, xử lý cao hơn một mức so với quy định, bảo đảm an toàn cho người tiêm. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải bảo đảm an toàn tối đa cho người tiêm. Những địa phương còn dè dặt cần phải triển khai ngay, theo dõi chặt các trường hợp sau tiêm.