HỒI KÝ VỀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG TRẠM VỆ SINH PHÒNG DỊCH QUẢNG NAM – ĐÀ NẴNG SAU GIẢI PHÓNG 29/3/1975 Bs. Phạm Phú Thăng Tháng 10/1975 Trạm vệ sinh phòng dịch khu V do bác sỹ Phạm Phú Thăng phụ trách, sau khi đi chống dịch ở Nha Trang và phục vụ quân đội về thì được lệnh giải thể. Trạm chuyển một số y, bác sỹ về Viện Pasteur Nha Trang, một số xin ra miền Bắc, còn lại một số y bác sỹ, kỹ thuật viên cùng một số điều dưỡng viên của ngụy quyền Sài Gòn để lại. Khi Trạm vệ sinh phòng dịch khu V vào Đà Nẵng tiếp quản thì nhận 13 anh chị em ở lại về Trạm, cùng một số máy móc dụng cụ, thuốc men, xe cộ. Tất cả sáp nhập vào Trạm vệ sinh phòng dịch tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng do bác sỹ Hoàng Đình Phi phụ trách cùng với bác sỹ Phan Hoàng Đông và một số y, bác sỹ ở miền Bắc mới về hình thành một Trạm của một tỉnh mới giải phóng tạm đầy đủ, cùng nhau đi chống dịch ở phường Mân Thái và phường Thọ Quang thành phố Đà Nẵng.
Tháng 03/1976 bác sỹ Phan Hoàng Đông được rút về xây dựng Phòng y tế thành phố Đà Nẵng. Lúc này Trạm vệ sinh phòng dịch do bác sỹ Hoàng Đình Phi làm trưởng trạm, phụ trách chung; bác sỹ Phạm Phú Thăng phó trạm, phụ trách công tác dịch tễ. Bác sỹ Võ Cẩm (thay bác sỹ Phan Hoàng Đông) phụ trách bộ phận Vệ sinh; bác sỹ Nguyễn Thị Liên phụ trách bộ phận xét nghiệm.
Thời gian này đất nước mới giải phóng, tình hình đời sống và chính trị của nhân dân chưa thật sự ổn định. Nhân viên thì một số ở miền Bắc về, một số ở chiến khu xuống, một số mới thu nhận sau giải phóng. Trình độ chuyên môn không đồng đều, còn phải thực hiện các chỉ thị cấp trên trong công tác phòng chống dịch và xây dựng Trạm, nên sự chỉ đạo gặp không ít khó khăn phức tạp.
Tháng 04/1976 ổ dịch hạch ở Mân Thái và Thọ Quang lại tái phát. Trạm phải lãnh đạo, chỉ đạo dập dịch kịp thời và khẩn trương. Một số đi phun thuốc diệt bọ chét, một số đặt bẫy chuột để tìm vectơ gây bệnh, một số lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm và cách ly bệnh nhân để điều trị.
Vụ dịch Mân Thái, Thọ Quang vừa ổn định thì thị xã Hội An, huyện Duy Xuyên, huyện Thăng Bình lại bùng phát dịch hạch, anh chị em lại lao vào phân công nhau điều động xe cộ, thuốc men đi giải quyết dập dịch.
Nhờ sự chỉ đạo, lãnh đạo kịp thời, cộng với tinh thần tích cực không quản ngày đêm của anh chị em y bác sỹ, và kinh nghiệm tích lũy qua quá trình công tác, đồng thời có sự chỉ đạo hỗ trợ của Viện Pasteur Nha Trang nên đến quí III/1976 các ổ dịch đã được dập tắt. Ngoài việc chống dịch, Trạm VSPD tỉnh còn lo đi xây dựng đội VSPD ở các huyện trong tỉnh và phát động phong trào làm hố xí hai ngăn.
Cuối năm 1976 và đầu năm 1977 được UNICEP viện trợ phòng lạnh (để giữ vacxin), kính hiển vi, xe ôtô đi chống dịch, thuốc men cùng kinh phí xây dựng Trạm. Bấy giờ Trạm tạm đủ cán bộ công nhân viên và hoạt động có chất lượng, theo từng chức năng được phân công. Ngoài công tác theo dõi phòng chống dịch, còn có công tác vệ sinh lao động, vệ sinh học đường, vệ sinh thực phẩm, mổ chuột lấy bệnh phẩm nuôi cấy tìm vectơ gây bệnh. Với sự chỉ đạo của Viện Pasteur Nha Trang, Ty Y tế Quảng Nam Đà Nẵng, sự nỗ lực của cán bộ công nhân viên Trạm VSPD tỉnh mà tình hình dịch hạch và các dịch bệnh khác dần dần được ổn định, phong trào hoạt động của các đội VSPD tuyến huyện cũng ngày một trưởng thành, phong trào làm điểm rầm rộ đạt nhiều hiệu quả.
Từ quý II/1977 trường Đại học Y khoa Hà Nội cử một đoàn bác sỹ cùng sinh viên chuyên khoa vào phối hợp nghiên cứu dịch hạch trên địa bàn Quảng Nam Đà Nẵng, nhất là các vụ dịch ở Thọ Quang, Mân Thái và thị xã Hội An.
Tóm lại, qua hơn hai năm đầu mới giải phóng, Trạm VSPD Quảng Nam Đà Nẵng đã đương đầu những vụ dịch hạch hoành hành, cán bộ công nhân viên vừa mới tập hợp, trình độ chưa đồng đều, cơ sở hạ tầng chật hẹp, bề bộn, nhưng nhờ sự nỗ lực của ban lãnh đạo Trạm, nhờ tinh thần tích cực của anh chị em, cộng với sự chỉ đạo của Ty Y tế QNĐN, của Viện Pasteur Nha Trang, với sự hỗ trợ ban đầu sau giải phóng (từ tháng 04 đến tháng 09 năm 1975) của đoàn y bác sỹ thành phố Hải Phòng và trường Đại học Y Hà Nội, sự nỗ lực của các địa phương trong toàn tỉnh, mà tình hình dịch hạch và một số vụ dịch khác được lắng dịu, môi trường trong tỉnh ngày một tốt đẹp, nhất là xây dựng phong trào hố xí hai ngăn. Cuối năm 1977 được Viện Pasteur Nha Trang đánh giá là Trạm xuất sắt nhất trong khu vực duyên hải miền trung từ Bình Trị Thiên vào Bình Thuận.
Thời kỳ xây dựng cơ sở hạ tầng và sự trưởng thành của Trạm VSPD tỉnh QNĐN
Từ cuối năm 1976 công tác chuyên môn của trạm ngày một lớn mạnh, dần đi vào nề nếp, tình hình dịch tạm lắng xuống, cán bộ công nhân viên ngày một đông, thì cơ sở làm việc ngày một chật hẹp, xe cộ, thuốc men, hoá chất ngày càng được cung ứng đầy đủ.
Cơ sở ban đầu của Trạm chỉ là khu nhà của bác sỹ Trương Đình Trí để lại sau giải phóng nên các bộ phận thiếu nơi triển khai làm việc. Cuối năm 1976 Trạm VSPD xin Ty Y tế QNĐN mua căn nhà của một chủ cửa hàng may để làm khu xét nghiệm và chăn nuôi chuột, thỏ. Vừa mua xong Ty Y tế bố trí cho Trạm kiểm nghiệm dược phẩm. Đến năm 1977 Trạm lại xin kinh phí để xây nhà, Ty Y tế cho mua căn nhà số 35 đường Hoàng Diệu để làm phòng xét nghiệm và bố trí một số bộ phận làm việc.
Đầu năm 1978 thì guồng máy của Trạm chạy đều, bộ phận nào cũng có y bác sỹ phụ trách và lo thực hiện chỉ tiêu của ban lãnh đạo đề ra. Tình hình dịch tạm ổn định, chỉ còn vài ổ dịch lẻ tẻ, không đáng kể. Bây giờ Trạm đang thực hiện chủ trương phát động phong trào làm hố xí hai ngăn và vệ sinh môi trường. Ngoài ra Trạm còn lo xây dựng và củng cố các đội VSPD tuyến huyện, chuẩn bị thuốc men phòng chống dịch.
Từ năm 1976 Trạm được cấp nhiều loại hoá chất để diệt côn trùng. Ban đầu hoá chất được để ở sau bệnh viện khu vực II Đà Nẵng. Một thời gian sau thấy bất tiện và nguy hiểm không thể để trong thành phố, nhất là gần bệnh viện nên Trạm cử anh Nguyễn Văn Suyền (trưởng phòng Hành Chánh Quản Trị) liên hệ tìm địa điểm xây dựng kho chứa hoá chất tại Trãng Nhật thuộc xã Điện Trung. Đến tháng 02/1980 thì hoá chất được chuyển dời vào kho mới.
Cũng từ năm 1976 trở đi, Trạm đã có một chi bộ Đảng ngày một đông, một công đoàn cơ sở ngày một vững mạnh và chăm lo cải thiện đời sống cho anh chị em.
Mùa hè 1976 dịch tả xảy ra rải rác ở các tỉnh, tập trung nhiều nhất là từ Nha Trang vào Bình Thuận. Theo yêu cầu của Viện Pasteur Nha Trang, Trạm VSPD tỉnh QNĐN cử bác sỹ Phạm Phú Thăng cùng một số anh chị em đi tham gia chống dịch.
Tháng 7/1978, Viện Pasteur Nha Trang mở đợt kiểm tra chéo các Trạm Duyên hải Miền Trung để học hỏi, rút kinh nghiệm phòng chống dịch và xây dựng phong trào.
Từ cuối năm 1977 đến đầu năm 1978, ban lãnh đạo Trạm xét thấy khuôn viên của Trạm còn đất trống trước nhà đủ để xây dựng cơ sở khang trang. Nhân cuộc họp tổng kết cuối năm 1978 của Sở y tế QNĐN, thay mặt Trạm VSPD bác sỹ Phạm Phú Thăng đề nghị Sở cấp kinh phí xây dựng. Lúc này ban lãnh đạo Sở (Bs Hoàng Thao – giám đốc, Bs Nguyễn Minh Tuấn – phó giám đốc) chưa giải quyết. Đến gần cuối năm 1979, Bs Trần Độ phụ trách vật tư xây dựng báo cáo số tiền UNICEP viện trợ vẫn còn, lúc này Sở mới cho Trạm làm kế hoạch xây dựng và mở móng gấp trước tháng 12/1979 để khỏi bị cắt kinh phí. Ban lãnh đạo Trạm giao cho trưởng phòng HCQT (anh Suyền) triển khai đúng kế hoạch.
Đầu năm 1980, Sở Y tế rút Bs Hoàng Đình Phi về làm Trưởng phòng y tế thành phố Đà Nẵng, Bs Phạm Phú Thăng lên làm trưởng Trạm VSPD.
Những năm 1977 đến tháng 5/1980 Trạm VSPD tỉnh QNĐN hoạt động sôi nổi, cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm nên các phong trào hoạt động từ huyện đến tỉnh đạt nhiều thành tích và có tiếng vang trong các cơ sở Y tế dự phòng khu vực Duyên Hải Miền Trung, Viện Pasteur Nha Trang. Tình hình dịch hạch giảm đáng kể, các vụ dịch khác như sốt xuất huyết, ho gà… cũng được khống chế. Công tác Vệ sinh lao động, Vệ sinh thực phẩm, Vệ sinh học đường được triển khai đồng bộ. Định kỳ có tổ chức khám bệnh cho công nhân, lấy mẫu kiểm tra tại các cửa hàng thực phẩm. Bộ phận xét nghiệm thường xuyên nuôi cấy bệnh phẩm và đã phát hiện một con chuột chù mang mầm bệnh dịch hạch và năm 1978 Bs Phạm Phú Thăng đã báo cáo trong cuộc họpVSPD toàn quốc tại Viện Pasteur Hà Nội.
Năm 1979 Trạm VSPD tỉnh QNĐN được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng gởi tặng lẵng hoa và Bs Phạm Phú Thăng trưởng trạm được tặng bằng khen của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Tháng 6/1980 Bs Phạm Phú Thăng được Bộ y tế cho đi Liên Xô cùng đoàn y bác sỹ trong toàn quốc để trao đổi và học tập kinh nghiệm về dịch hạch. Ngày 9/9/1980 đoàn rời Việt Nam đi Mạc Tư Khoa.
Sau gần 2 năm đi Liên Xô đến tháng 5/1982 thì về lại Đà Nẵng và bắt tay vào công tác. Lúc này cơ sở mới xây gần hoàn chỉnh, chuẩn bị cho việc khánh thành cơ sở và thực hiện kế hoạch của Sở Y tế và Viện Pasteur Nha Trang đề ra.
Từ năm 1983 đến tháng 6/1986 Trạm VSPD tỉnh QNĐN vẫn giữ được sự hoạt động tốt, hàng năm đều được khen thưởng và tuyên dương là Trạm xuất sắc từ tỉnh đến khu vực.
Những năm này Trạm đi vào nghiên cứu nhiều hơn, tổng kết các kinh nghiệm trong công tác chuyên môn và lãnh đạo của Trạm. Dịch hạch mấy năm liền không xảy ra, dịch tả không còn, ho gà phát theo thời vụ lẻ tẻ, chỉ còn lại sốt xuất huyết cứ dai dẳng kéo dài trong năm, muỗi gây bệnh từng đợt phát triển, công tác vận động nhân dân làm vệ sinh môi trường và diệt muỗi đã được nhân dân hưởng ứng.
Tóm lại:
Từ năm 1976 đến 1986 Trạm VSPD tỉnh QNĐN (nay là Trung tâm y tế dự phòng) trong quá trình hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch và các mặt trong các bộ phận vệ sinh đạt nhiều thành tích, đã có tiếng vang và được tặng thưởng nhiều bằng khen.
Tháng 6/1986 Bs Phạm Phú Thăng được nghỉ hưu.
NHỮNG KỶ NIỆM KHÓ QUÊN
Bs. Nguyễn Út
Nguyên trưởng khoa Vệ sinh Trạm VSPD QN-ĐN
Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, ra trường, tôi về công tác tại Trạm Vệ sinh phòng dịch tỉnh Quảng Ninh. Năm 1973, tôi xung phong vào chiến trường miền Nam chống Mỹ cứu nước. Nơi tôi đến là xã Sơn Hiệp, huyện Hiệp Đức (cách TP Đà Nẵng hiện giờ 150km). Công việc của tôi là vận động nhân dân thực hiện phong trào vệ sinh 3 công trình, vận động bà con xây dựng trạm xá bằng tranh, tre, nứa lá để có chỗ phục vụ bộ đội, bà con. Công việc tiếp theo là phục vụ sự nghiệp giải phóng Nông Sơn, Trung Phước, Tiên Phước, Đà Nẵng…
Tôi được phân công cùng với anh Đức (y sĩ) đi phục vụ nhân dân vùng mới giải phóng. Anh Đức ở lại trạm xá còn tôi một mình vượt đèo Le (xã Quế Lộc, huyện Quế sơn) tiếp tế thuốc men. Vừa đến chân đèo thì gặp máy bay địch thả bom hòng chặn đường tiếp tế ra tiền tuyến. Bom bi và bom tấn địch thả như mưa, khói bay mù mịt khắp bầu trời, bao phủ cả núi, đèo. Tôi một mình núp vào lùm cây, chờ máy bay đi xa, tôi tiếp tục đi được một đoạn thì gặp một đoàn người đi ngược chiều. Họ bảo tôi: “Nguy hiểm lắm, đường đèo không qua được đâu”. Nghe vậy, nhưng vì nghĩ đến anh em đang cần tôi nên tôi không ngần ngại vẫn tiếp tục tiến về phía trước. Tôi cúi rạp mình vượt qua đèo thật nhanh, lợi dụng các cột khói đen để che mắt địch, các đợt bom cứ dội liên tiếp, hết trước mặt rồi sau lưng làm rung chuyển cả núi, đèo. Trời chập choạng tối, tôi xuống đến chân đèo, lúc này tôi gặp các đồng chí bộ đội, mừng hơn bắt được vàng vì có người cùng đi. Sau đó tôi gia nhập đoàn y, bác sĩ Quảng Nam đi phục vụ đồng bào. Đa số đồng bào bị sốt rét, hàng ngàn người sốt nằm la liệt, chúng tôi bắt tay khám bệnh, phát thuốc sốt rét, phun thuốc diệt muỗi kịp thời ngăn chặn được dịch sốt rét…
Tôi không thể quên một lần thoát chết: Hôm ấy chúng tôi tập trung dân để tiêm phòng vaccine tả… Đang chuẩn bị thì máy bay địch thả bom vào điểm chuẩn bị triển khai tiêm chủng. May sao dân chưa kịp đến nên không thiệt hại gì nhiều, chỉ vài nóc nhà bị cháy và một người dân bị mảnh bom trúng chân. Bom ngưng thả, chúng tôi lại di chuyển đến địa điểm khác và vận động dân đến tiêm. Có lẽ vì đã quen với bom đạn và không dễ gì tiếp xúc được với đoàn y tế trong chiến tranh nên họ đến rất đông. Do sử dụng bơm tiêm máy nên giải quyết rất nhanh. Lúc ấy anh Phạm Phú Thăng (trưởng Trạm VSPD) đi ngang cùng với đoàn Ban Dân y khu V, nghe tôi báo cáo tình hình, anh Thăng khen ngợi và động viên làm tôi phấn khởi và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Một kỷ niệm nữa không thể nào quên: Nghe báo ở huyện Hiên có ngộ độc thực phẩm, tôi cùng Y sĩ Gần (người dân tộc) vượt suối trèo đèo từ Hiệp Đức đi qua huyện Hiên, phải mất 3 ngày mới đến. Tuy rất mỏi mệt vì đi bộ nhiều ngày nhưng chúng tôi bắt tay ngay vào việc. Tôi điều tra, tìm hiểu nguyên nhân gây ngộ độc là do dân ăn thịt nai để lâu ngày. Tôi dùng tất cả thuốc men mang theo đem chữa bệnh cho dân, họ vui mừng khôn xiết. Tối hôm đó trưởng thôn vận động bà con thả lưới bắt cá ở suối nấu cơm đãi chúng tôi. Người dân miền núi thật hiếu khách, họ ăn sắn nhường cơm, cá chiêu đãi chúng tôi. Cảm động tôi định trút hết gạo và thức ăn mang theo nhưng họ nhất quyết không chịu lấy. Trưởng thôn cho chúng tôi biết: Địch đã đến đây, dồn dân tập trung vào ấp chiến lược, cho ăn ngon, mặc đẹp nhưng bà con một mực không theo, tìm đường về với cách mạng.
Người dân miền núi thật thà chất phác, nhưng không dễ dàng bị cám dỗ, mua chuộc, họ có tình yêu nước nồng nàn, sẵn sàng nhịn ăn để nuôi cán bộ làm cách mạng. Đã hơn 30 năm qua, nhưng những kỷ niệm sâu sắc ấy đã in đậm trong ký ức của tôi không bao giờ phai.
VÀI DÒNG KÝ ỨC
Lê Thị Muốn
Nguyên cán bộ phòng Hành chính
Nếu ngày ấy tôi nghỉ việc một lần thì nay tôi đâu có dịp được đóng góp tâm tư của mình vào tập kỷ yếu của cán bộ hưu trí Trung tâm Y tế Dự phòng. Cám ơn Ban lãnh đạo đơn vị qua bao đời thủ trưởng đã giúp đỡ cho tôi. Cám ơn những lời khuyên chân thành của anh chị em làm cách mạng và là đồng nghiệp: “Em cố gắng vượt qua giai đoạn đất nước khó khăn này. Làm việc với chính quyền cách mạng không giàu nhưng không đói, con em lại đông…”
Từ những lời khuyên chân thành đó, tôi đã yên tâm làm việc, bỏ ý định nghỉ việc để bôn ba kiếm sống, mặc dầu thời điểm đó hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn.
Và nay, nhằm mong muốn “Có chút gì để nhớ”, tôi xin ghi lại mấy dòng thơ nói lên những ký ức khó quên của mình.
Thơ rằng:
Ba mươi hai năm làm việc tại Trung tâm (1)
Cộng thêm năm tháng mới nghỉ ròng,
Buồn vui qua bao đời thủ trưởng,
Ba chìm, bảy nổi, chín long đong.
Thời gian làm việc thật là căng,
Việc nhà, việc nước chạy lăng xăng,
Chu toàn nhiệm vụ trên giao xuống,
Thủ trưởng khen thầm “Nhỏ đa năng”.
Thực hư, hư thực chẳng dám ngoa,
Văn thư đánh máy, tiêm chủng xa (2)
Nhận vắc xin, thuốc, hàng tiêm chủng,
Nha Trang, Hà Nội, Hồ Chí Minh.
Có những hôm đi sớm lại phải về trưa (3)
Tiết trời vào hạ lại đổ mưa,
Gian lao vất vả bền tâm chí,
Khổ cực có ngày ắt chào thua.
Ba mươi năm ôm két sắt, ngán chưa?
Giữ tiền nhà nước như phải lửa,
Như biển đông mà khát chẳng vừa,
Sếp rằng: Con em những bốn đứa (4)
Nhớ lời cha răn dạy năm xưa,
Dù nghèo cơm muối với tương dưa,
Giữ mình trong sạch, nhân cách tốt,
Mọi người ai cũng mến cũng ưa.
Hay tin hưu trí làm kỷ yếu,
Muốn đây khiêm tốn xuất vài chiêu,
Nai kia mê mải còn gặm cỏ,
Hươu (5) nay lặng lẽ ngắm nắng chiều.
Ghi chú:
(1)Trước Trạm Vệ sinh phòng dịch, nay Trung tâm Y tế Dự phòng
(2) Đi công tác tiêm chủng tại huyện, xã
(3) Làm ngoài giờ do yên cầu công việc lãnh đạo giao
(4) Mang thai đứa thứ 4 được 3 tháng thì nhà nước có chỉ thị cấm sinh con thứ 3
(5) Hươu = Hưu