Lịch sử là dòng chảy không ngừng, mãi mãi nối tiếp bằng sự tồn tại vật chất và tinh thần, của quá khứ và hiện tại, hôm nay và mai sau.
Trạm Vệ sinh phòng dịch tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng hình thành trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn sau ngày miền Nam Việt Nam được giải phóng, tình hình xã hội còn lộn xộn, môi trường ô nhiễm nặng nề, nhiều dịch bệnh chưa được kiểm soát, máy móc thiết bị hầu như chưa có gì, cán bộ thì mới tập hợp một số y bác sĩ, kỹ thuật viên từ căn cứ xuống, các đồng chí từ miền Bắc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà về, cùng các anh chị em lưu dung của chế độ Sài Gòn ở lại. Tuy vậy, ban lãnh đạo chủ trương xây dựng khối đoàn kết, kề vai sát cánh, nhất trí trong chỉ đạo, tận tâm tận lực vượt mọi khó khăn gian khổ, trong thời kỳ đầu bao cấp để hoàn thành nhiệm vụ với khí thế con người chiến thắng “Gác lại quá khứ hướng tới tương lai”, xây dựng chế độ mới tốt đẹp hơn, thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia, ổn định tình hình dịch bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu của Bộ Y tế phát động.
Với nguyện vọng của những người từng công tác mong muốn ghi lại những tình cảm, hình ảnh thiết thực để kỷ niệm những năm tháng làm việc tại Trạm vệ sinh phòng dịch tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (nay là Trung Tâm Y tế Dự phòng thành phố Đà Nẵng), Ban liên lạc hội hưu trí Trung tâm Y tế Dự phòng tập hợp các bài viết, hình ảnh, địa chỉ, chức vụ của tất cả các đồng chí đã từng tham gia công tác để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thăm hỏi, động viên chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống.
Các thông tin trong kỷ yếu này chắc chắn còn một số thiếu sót, rất mong nhận được những bổ sung hoàn chỉnh của tất cả cán bộ từng công tác qua mọi thời kỳ để giúp hoàn thiện kỷ yếu.
Trân trọng giới thiệu và chân thành cám ơn.
SUY NGẪM TỪ TRẠM VỆ SINH PHÒNG DỊCH QUẢNG NAM ĐÀ NẴNG
ĐẾN TRUNG TÂM Y TẾ DỰ PHÒNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Bs. Nguyễn Văn Sâm
Nguyên Phó giám đốc Sở Y tế QN – ĐN
Với chiến thắng ngày 29/03/1975 giải phóng QN – ĐN và tiếp sau đó ngày 30/04/1975 công cuộc kháng chiến chống Mỹ hoàn toàn thắng lợi, miền Nam sạch bóng quân thù, hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Sau ngày tỉnh QN-ĐN được giải phóng, tranh thủ sự chỉ đạo của Bộ y tế và Tỉnh uỷ, ngành y tế đã sớm triển khai một trong những nhiệm vụ cấp bách, trước mắt là thực hiện công tác Y học dự phòng, chủ yếu phòng chống dịch bệnh, giải quyết vệ sinh môi trường.
Thời gian đầu sau giải phóng, công tác phòng chống dịch, giải quyết vệ sinh môi trường vô cùng khó khăn. Cán bộ thiếu, chưa có trình độ chuyên sâu đồng bộ. Cơ sở vật chất tạm bợ, trang thiết bị nghèo nàn. Nhưng với chủ trương chung của ngành y tế địa phương lúc bấy giờ là tranh thủ tiếp nhận sự chi viện của Trung ương và sự chi viện của tỉnh kết nghĩa, cùng với đội ngũ cán bộ, cơ sở trang thiết bị tại chỗ, vừa phục vụ vừa sắp xếp ổn định và phát triển tổ chức, nhờ vậy, nên từ những tháng đầu sau giải phóng (cả hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà) đã hình thành ngay mạng lưới tổ chức Y tế dự phòng: ở tỉnh có Trạm vệ sinh phòng dịch, các quận huyện, thị xã có Đội vệ sinh phòng dịch và phường, xã trọng điểm có cán bộ chuyên trách Vệ sinh phòng dịch. Tuy cơ sở kỹ thuật còn chắp vá, mạng lưới tổ chức chưa đồng bộ, nhưng kết quả công tác y học dự phòng chúng ta đã làm được số việc lớn như: Phong trào vệ sinh phân, nước, rác, tiến hành điều tra khảo sát mầm bệnh, đầu tư ổn định, phát triển tổ chức.
Tháng 10/1975 Chính phủ có quyết định thành lập tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Trạm Vệ sinh phòng dịch Quảng Nam, Trạm vệ sinh phòng dịch Quảng Đà và Trạm vệ sinh phòng dịch khu V sáp nhập thành Trạm vệ sinh phòng dịch tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng do Bác sỹ Hoàng Đình Phi làm trưởng trạm, trực thuộc Ty y tế Quảng Nam – Đà Nẵng.
Thời điểm này nhiều dịch bệnh nổi lên: bệnh tiêu hoá xuất huyết, một số ổ dịch cũ xuất hiện như dịch hạch, dịch tả, dịch sốt xuất huyết, dịch lỵ… trong điều kiện trình độ dân trí còn thấp, đời sống nhân dân còn quá khó khăn… Tranh thủ sự chỉ đạo của Ty y tế, ban lãnh đạo của trạm đã triển khai những công tác phù hợp và đồng bộ như: vừa triển khai công tác vệ sinh phòng và ngăn ngừa dịch bệnh, vừa tranh thủ sự chi viện của Viện Pasteur Nha Trang, Hà Nội để có cán bộ, phương tiện kỹ thuật, sớm ổn định tổ chức của Trạm vệ sinh phòng dịch tỉnh. Đến đầu năm 1976 đã có những tổ công tác kỹ thuật chuyên sâu như: tổ Vệ sinh dịch tễ, tổ Xét nghiệm, tổ Hành chánh quản trị và chăn nuôi thực hiện được chức năng, nhiệm vụ là giám sát kiểm tra và tổ chức triển khai công tác vệ sinh phòng bệnh, phòng chống dịch ở các tuyến trên địa bàn tỉnh, bước đầu xác định được thông số kỹ thuật vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh lao động, vệ sinh học đường, quản lý dịch tễ và thực hiện nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng đào tạo cán bộ.
Nhận thức được công tác y học dự phòng của ngành không ngừng được phát triển và để đáp ứng nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh trước mắt, với sự đầu tư của tỉnh cơ sở kỹ thuật đã được phát triển như: phòng xét nghiệm hoá lý, vi sinh, phòng nuôi cấy vi trùng, phòng pha môi trường, phòng rửa sấy và hệ thống xử lý nước thải, kho bãi bảo vệ hoá chất… Nhờ đó, mặc dù tình hình dịch bệnh bùng phát cuối năm 1975, rầm rộ và lan rộng năm 1976, 1977 như: dịch hạch, dịch tả, lỵ, dịch sốt xuất huyết… nhưng qua mỗi mùa dịch, Trạm đã kịp thời đúc kết, tham mưu được cho Ty y tế tăng cường chỉ đạo đồng bộ, số mắc, số chết, số địa phương có dịch được khống chế từng năm và đến năm 1978, 1979, 1980 không còn những vụ dịch lớn, chỉ còn rải rác dịch sốt xuất huyết, cúm. Công tác vệ sinh môi trường được đầu tư thực hiện vệ sinh dứt điểm 3 công trình vệ sinh, đáng chú ý hố xí hai ngăn đã có huyện và nhiều xã dứt điểm. Vệ sinh thực phẩm đã triển khai nhiều biện pháp có hiệu quả. Vì vậy, tình hình bệnh về đường tiêu hoá được khống chế.
Những thành quả nầy được ghi nhận bằng phần thưởng: Cờ thi đua của Chính phủ và cờ thi đua của UBND tỉnh 1976, cờ thi đua của Bộ y tế và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam năm 1986 và nhiều bằng khen của hai Viện dịch tễ trung ương, Viện Pasteur Nha Trang từ 1976-1986.
Suy ngẫm lại những tháng, năm đầu giải phóng, những cán bộ y tế làm công tác y học dự phòng ở tỉnh làm sao quên được một thực trạng vô cùng khó khăn lúc bấy giờ: đời sống đồng bào chưa ổn định, còn quá khó khăn; Vệ sinh môi trường đầy rẫy những vật phế thải, kể cả xác người chết… nhiều loại hình bệnh tật sau chiến tranh đã xuất hiện. Công tác y học dự phòng: cán bộ thiếu, cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, diện hoạt động rộng, tính chất nghiệp vụ đòi hỏi có kỹ thuật và đồng bộ. Nhưng với tinh thần Cách mạng sẵn có, nhận thức quan điểm y tế dự phòng đúng đắn của Đảng với kinh nghiệm công tác và ý thức trách nhiệm sẵn có ở mỗi người chúng ta, nên đã đoàn kết, động viên giúp đỡ nhau, vượt mọi khó khăn đã nhanh chóng hoàn thành khối lượng công tác và tạo tiền đề cho Trạm vệ sinh phòng dịch phát triển và cái mốc sự phát triển, trưởng thành đó là Trung tâm y học dự phòng Quảng Nam Đà Nẵng tháng 04 năm 1985 và Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Đà Nẵng ngày 05/2/1997.
KÝ ỨC MỘT THỜI
Bác sĩ Hoàng Đình Phi
Nguyên Trưởng trạm VSPD tỉnh QNĐN
Tóm tắt thành tích của Trạm Vệ sinh phòng dịch tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng từ 1975 đến 1996.
I. Công tác tổ chức:
Ngày 29 tháng 3 năm 1975 thành phố Đà Nẵng giải phóng – thành phố Hải Phòng kết nghĩa với thành phố Đà Nẵng trong kháng chiến chống Mỹ.
Ngày 18 tháng 4 năm 1975 thành phố Hải Phòng cử đoàn cán bộ Vệ sinh phòng dịch do bác sĩ Nguyễn Văn Hoan – trưởng đoàn, bác sĩ Sự – phó đoàn cùng 10 y bác sĩ, kỹ thuật viên vào Đà Nẵng mang theo phương tiện và hoá chất, xét nghiệm vi sinh.
Đoàn cùng với số cán bộ từ trên căn cứ kháng chiến xuống, số anh em cán bộ miền Bắc về và số anh chị em lưu dung xây dựng Trạm vệ sinh phòng dịch tỉnh Quảng Đà đóng tại 243 Phan Chu Trinh – thành phố Đà Nẵng. Ban lãnh đạo gồm bác sĩ Hoàng Đình Phi, bác sĩ Nguyễn Văn Hoan, bác sĩ Sự.
Như vậy sau giải phóng thành phố Đà Nẵng có hai Trạm vệ sinh phòng dịch: Trạm Vệ sinh phòng dịch Quảng Đà và Trạm Vệ sinh phòng dịch khu V (tức K.15), bác sĩ Phạm Phú Thăng trưởng trạm.
Đến tháng 10 năm 1975 theo quyết định của ban lãnh đạo Y tế khu uỷ V hợp nhất ba đơn vị: Trạm Vệ sinh phòng dịch Quảng Nam, Quảng Đà và K.15 thành Trạm Vệ sinh phòng dịch tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.
Đoàn Vệ sinh phòng dịch Hải Phòng rời thành phố Đà Nẵng, bàn giao toàn bộ trang thiết bị kiểm dịch và xét nghiệm lại cho Trạm Vệ sinh phòng dịch Quảng Nam Đà Nẵng.
Ban lãnh đạo Trạm Vệ sinh phòng dịch tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng gồm:
– Bác sĩ Hoàng Đình Phi – Trưởng trạm.
– Bác sĩ Phạm Phú Thăng – Phó trạm.
– Bác sĩ Phan Hoàng Đông – Phó trạm.
Cán bộ công nhân viên có tất cả 47 người. Trong đó: Bác sĩ 07; dược sĩ đại học 01; y sĩ 08; cử nhân hoá, vi sinh 04; kỹ thuật viên xét nghiệm 04; cán sự y tế 02…
Chi bộ Đảng được thành lập gồm 12 Đảng viên. Tất cả cán bộ nhân viên là đoàn viên công đoàn. Các tổ công tác được thành lập. Mỗi tổ từ 3-5 người.
1. Phòng Vệ sinh chung: Bác sĩ Võ Cẩm -Trưởng phòng, gồm các tổ:
– Tổ vệ sinh học đường: Cán sự Nguyễn văn Khuôn – tổ trưởng.
– Tổ vệ sinh công cộng (3 công trình): Y sĩ Nguyễn Hữu Long – tổ trưởng.
– Tổ vệ sinh thực phẩm: Bác sĩ Nguyễn Út – tổ trưởng.
– Tổ vệ sinh lao động: Bác sĩ Võ Cẩm trực tiếp điều hành.
– Tổ kiểm dịch quốc tế: Y sĩ Trần Đình Hoà phụ trách. Đến tháng 8 năm 1976 Trạm Kiểm dịch quốc tế được thành lập, do bác sĩ Lê Văn Ban làm trưởng trạm cùng 4 cán bộ kiểm dịch của Trạm vệ sinh phòng dịch và 2 sĩ quan kiểm dịch trung ương, đóng trụ sở tại 66 Trần Phú Đà nẵng.
2. Phòng Dịch tễ, Xét nghiệm: Do Bác sĩ Phạm Phú Thăng – phó trạm phụ trách gồm có:
– Tổ dịch tễ: Y sĩ Phạm Văn Huỳnh – tổ trưởng.
– Tổ xét nghiệm: Bác sĩ Hồ Thị Liên – tổ trưởng và dược sĩ đại học Bùi Thị Phương Lan trực tiếp làm chuyên môn.
3. Phòng tổ chức: Đồng chí Nguyễn Anh Du phụ trách, sau khi đồng chí Du chết, đồng chí Hồ Quang Vinh thay.
4. Phòng hành chính quản trị: Đồng chí Suyền – trưởng phòng. Đến năm 1982 thì bị kỷ luật, đồng chí Nguyễn Xuân Thành thay.
5. Phòng kế toán tài vụ: Chị Nguyễn Thị Lộ – trưởng phòng.
Năm 1978 bác sĩ Phan Hoàng Đông về nhận công tác phó ban y tế thành phố Đà Nẵng, bác sĩ Võ Cẩm thay bác sĩ Đông.
Năm 1979 bác sĩ Hoàng Đình Phi về công tác trưởng ban y tế thành phố Đà Nẵng, bác sĩ Phạm Phú Thăng được bổ nhiệm Trưởng Trạm vệ sinh phòng dịch tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng.
Trạm vệ sinh phòng dịch tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng chỉ đạo chuyên môn các phòng vệ sinh phòng dịch trực thuộc phòng y tế quận huyện theo Quyết định 15/CP của Chính phủ.
Tháng 4 năm 1985 UBND tỉnh Quảng Nam quyết định sáp nhập Trạm phòng chống Sốt rét, Trạm Bướu cổ, Trạm Kiểm dịch vào Trạm vệ sinh phòng dịch mang tên “Trung tâm Y học Dự phòng tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng”. Bác sĩ Nguyễn Văn Sâm – Phó giám đốc sở Y tế làm giám đốc. Bác sĩ Ôn Văn Chương và bác sĩ Lê Văn Ban làm phó giám đốc Trung tâm.
Đây là mô hình thí điểm đầu tiên trên cả nước về tập trung mang tính cộng đồng vào một đơn vị quản lý điều hành. Sau này mô hình này trở thành hệ thống tổ chức thống nhất, được bộ Y tế triển khai trên cả nước với tên gọi “Trung tâm Y học Dự phòng”.
Năm 1987 Trung tâm Y học Dự phòng được tách thành hai Trung tâm: Trung tâm Phòng chống Sốt rét và Trung tâm Y học Dự phòng do Bác sĩ Dương Văn Nghĩa – phó giám đốc sở kiêm giám đốc Trung Tâm. Bác sĩ Trần Văn Nhật và bác sĩ Đỗ Thị Phẩm phó giám đốc.
Năm 1990 bác sĩ Dương Văn Nghĩa về Sở Y tế. Bác sĩ Nguyễn Xuân Thước làm giám đốc.
Năm 1994 bác sĩ Nguyễn Xuân Thước chuyển sang giám đốc Bảo hiểm y tế. Bác sĩ Trần Văn Nhật làm giám đốc. Bác sĩ Đỗ Thị Phẩm và cử nhân sinh học Võ Quang Lợi phó giám đốc.
Khen thưởng từ 1975-1996 về hoạt động phòng chống dịch, tiêm chủng mở rộng và thực hiện các chương trình y tế Quốc gia.
– Cờ thi đua của chính phủ.
– Cờ thi đua của UBND tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng.
– Cờ thi đua của Bộ y tế.
– Cờ thi đua Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.
– 12 bằng khen của Viện Vệ sinh dịch tễ Hà Nội.
– Bằng khen của Viện Pasteur Nha Trang.
II. Công tác chuyên môn:
A. Dứt điểm 3 công trình vệ sinh:
Sau giải phóng tình hình vệ sinh nông thôn với tập tục ỉa đồng, uống nước chưa đun sôi là phổ biến. Thiếu giếng nước, nhà tắm, dịch bệnh nhiều.
Ở thành phố Đà Nẵng thiếu cầu tiêu. Hầu hết dân cư ngoại thành và dân làm nghề cá đi tiêu trên sông, trên bãi biển.
Phong trào vệ sinh yêu nước được phát động rộng rãi trong toàn tỉnh.
Trước tình hình trên, Trạm xin ý kiến Sở Y tế phát động phong trào xây dựng hố xí, nhà tắm, giếng nước và chọn Thăng Bình làm điểm (1976). Thăng Bình là huyện nghèo, chiến tranh tàn phá nặng nhưng giàu lòng yêu nước. Cán bộ y tế huyện Thăng Bình, nhất là y sĩ Trịnh Phú Bằng – trưởng phòng y tế huyện rất nhiệt tình với phong trào này. Được Trạm vệ sinh phòng dịch tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng chỉ đạo hướng dẫn kỹ thuật xây dựng 3 công trình vệ sinh, đồng chí Bằng rất quyết tâm phát động phong trào dứt điểm 3 công trình vệ sinh “Hố xí, giếng nước, nhà tắm”, được UBND huyện Thăng Bình nhất trí chọn xã Bình Trung làm thí điểm dứt điểm 3 công trình vệ sinh, trên cơ sở nội lực tại chỗ là chính vì ở đây có lò gốm, lò gạch, nhân dân đồng tình. Đội VSPD huyện cùng trạm y tế xã tổ chức dân học tập xây dựng hố xí 2 ngăn, nhà tắm, giếng nước mẫu để dân thực hiện.
Tại xã Bình Trung nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Nhà có điều kiện xây dựng hố xí 2 ngăn, nhà tắm bằng gạch ciment, nhà thiếu điều kiện xây dựng hố xí bằng gốm hoặc 2 ngăn bằng gạch. Nhà nghèo đào hố xí chìm hợp vệ sinh. Riêng gia đình có công Cách mạng, thương binh liệt sĩ được cấp 1 mặt bằng hố xí 2 ngăn đúc sẵn bằng ciment.
Sau 3 tháng phát động xã Bình Trung đạt tiêu chuẩn 3 công trình vệ sinh. Tháng 4 năm 1977 huyện Thăng Bình tổng kết nhân rộng ra toàn huyện.
Đến 30 tháng 11 năm 1977 huyện Thăng Bình đạt tiêu chuẩn dứt điểm 3 công trình vệ sinh. Thứ trưởng Bộ Y tế bác sĩ Nguyễn Tăng Ấm đến kiểm tra công nhận huyện Thăng Bình đạt tiêu chuẩn dứt điểm 3 công trình vệ sinh.
Hội nghị Y tế toàn quốc họp tại thành phố Đà Nẵng từ 27 tháng 12 năm 1977 đến 31 tháng 12 năm 1977 tổng kết công tác y tế cả nước năm 1977 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 1978. Hội nghị triển khai thực hiện 5 mục tiêu, 5 dứt điểm của Đảng về công tác y tế trong cả nước.
Đồng chí chủ tịch huyện Thăng Bình dự họp và nhận lẵng hoa Bác Tôn Đức Thắng – Chủ tịch nước tặng huyện Thăng Bình đạt dứt điểm 3 công trình vệ sinh đầu tiên tại các tỉnh phía Nam.
Trạm vệ sinh phòng dịch tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng được Bộ trưởng y tế Vũ Văn Cẩn đến thăm vào đầu giờ chiều thứ 2 hội nghị (ngày 28/12/1977). Bộ trưởng hỏi thăm tình hình hoạt động công tác chống dịch, xử lý các ổ dịch, hoạt động xét nghiệm, công tác kiểm dịch quốc tế.
Sau hội nghị Bộ trưởng Vũ Văn Cẩn về thăm xã Bình Dương (Thăng Bình). Xã được tuyên dương anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ. Bộ trưởng quyết định tặng 50 tấn ciment góp phần xây dựng Trạm y tế xã và bộ trưởng trực tiếp phân công Bệnh viện C Đà Nẵng có trách nhiệm đỡ đầu toàn diện Trạm y tế xã Bình Dương, huyện Thăng Bình.
Ngày 15/02/1978 tại Trạm vệ sinh phòng dịch tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng tổ chức hội nghị chuyên đề xây dựng 3 công trình vệ sinh do Sở Y tế chủ trì, có lãnh đạo sở và các phòng ban của sở, ban khoa giáo tỉnh, đại diện UBND các quận huyện, các trưởng phòng và đội vệ sinh sốt rét quận huyện tham dự.
Hội nghị thảo luận và nhất trí kế hoạch xây dựng 3 công trình vệ sinh. Sử dụng nguyên liệu tại địa phương như: gốm, đất sét, ciment, vôi…
Năm 1977 tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng là tỉnh đầu tiên được Unicef viện trợ ciment để xây dựng 3 công trình vệ sinh. Kinh phí đầu tư do Trạm vệ sinh phòng dịch tỉnh quản lý và phân phối cho các quận huyện. Thành lập công trường đúc mặt bằng bàn ngồi hố xí 2 ngăn cung cấp cho hộ nghèo, hộ có công cách mạng, gia đình thương binh, liệt sĩ để xây dựng công trình vệ sinh.
Với phương châm vết dầu loang, nhân kỷ niệm 10 năm giải phóng tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, toàn tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng đã tổng kết đạt tiêu chuẩn dứt điểm 3 công trình vệ sinh. Tình trạng đi tiêu trên sông, trên đồng ruộng và ven bờ biển không còn nữa.
B. Công tác phòng chống dịch:
Trạm vệ sinh phòng dịch đã khoanh vùng xử lý các ổ dịch. Lập các biểu đồ và bản đồ dịch hằng ngày, tháng, quí, năm. Hằng ngày cử cán bộ đến từng khoa lây các bệnh viện trong thành phố và các bệnh viện huyện (đội vệ sinh phòng dịch huyện thực hiện) để nắm rõ các ổ dịch tại địa phương, xã phường để có phương án xử lý phòng chống dịch chủ động kịp thời.
Trạm đã xây dựng phòng xét nghiệm tại 35 Hoàng Diệu, Đà Nẵng. Trang bị máy móc và hoá chất đầy đủ.
Phòng xử lý côn trùng phẩu thuật bọ chét, muỗi để làm xét nghiệm, phòng sản xuất subtilis, phòng tổng hợp hấp sấy và hệ thống xử lý nước thải.
Phòng xét nghiệm vi khuẩn tả, dịch hạch, hoá công nghiệp, hoá nước, hoá thực phẩm.
Tại 243 Phan Châu Trinh có kho đông lạnh để quản lý vaccin.
Năm 1976 – 1979 trạm đã trực tiếp dập tắt 12 ổ dịch (8 dịch hạch, 1 dịch cúm, 1 sốt xuất huyết và 2 tiêu chảy, nhiễm độc).
THỐNG KÊ KẾT QUẢ DẬP DỊCH HẠCH:
C. Chương trình tiêm chủng mở rộng phòng 6 bệnh truyền nhiễm trẻ em:
Năm 1981 chương trình triển khai điểm tại Trạm y tế phường Bình Thuận. Năm 1983 tổng kết rút kinh nghiệm phát động TCMR cho toàn tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm 6 loại vaccin: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, lao.
Kết quả năm 1986 đạt 88,42% trẻ em được tiêm chủng.
Năm 1989 đạt 98,30%.
Năm 1996 đạt 99,88%.
Năm 1989 Trạm y tế Bình Thuận được Giáo sư Bộ trưởng y tế Phạm Song đến thăm và ghi vào sổ lưu niệm, rất khâm phục hoạt động của y tế phường về chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Nổi bật là chương trình tiêm chủng mở rộng đạt chỉ tiêu bảo vệ tuyệt đối trẻ em, dẫn đầu toàn quốc chương trình Gobifff và phát triển dân số tự nhiên với tỷ xuất chết chung rất thấp.
D. Sản xuất lương thực cải thiện đời sống:
Thời bao cấp, mỗi cán bộ nhân viên được phát sổ lương thực, tem phiếu mua thực phẩm (thịt, cá, đường…), vải vóc. Thỉnh thoảng phân phối phụ tùng xe đạp, lưỡi lam cạo râu, quần áo cũ (đồ bành cứu trợ) do công đoàn bình chọn hoặc bốc thăm, nhiều khi cãi vã nhau mất đoàn kết. Khổ nhất là mua gạo, mỗi tháng cán bộ công nhân viên mua 13,5 kg gạo, công nhân làm việc nặng 18 – 21 kg. Đi xếp hàng mua gạo phải dậy từ 1 – 2 giờ sáng, nhiều người đặt mấy viên gạch, dép rách để giành chỗ trước. Sổ thương binh, gia đình chính sách được ưu tiên xếp hàng riêng.