1. Vì sao sốt xuất huyết có thể tái nhiễm?
Sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra. Vi rút Dengue có 4 type là D1, D2, D3 và D4. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh là do vi rút Dengue type D1 và D2 gây nên, sau đó là D3 và D4. Sau khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh sẽ có miễn dịch trọn đời với type vi rút đã mắc nhưng không có miễn dịch với các type vi rút còn lại. Do đó, người bệnh vẫn có thể bị sốt xuất huyết tái nhiễm với các type vi rút khác.
2. Sốt xuất huyết lần hai thường nặng hơn lần đầu
Sốt xuất huyết tái nhiễm lần hai rất nguy hiểm do tình trạng bệnh thường nặng hơn lần đầu. Điều này liên quan đến sự tăng cường miễn dịch của cơ thể đối với tác nhân gây bệnh. Bởi khi đó, các kháng thể của 2 hoặc 3 type vi rút cùng tồn tại và tác động lên cơ thể, đồng thời vi rút cũng được nhân lên rất mạnh khiến các phản ứng như sốt, đau mỏi… sẽ trầm trọng hơn. Bệnh nhân có thể có những diễn biến bất thường hơn nên cần được theo dõi sát sao, đặc biệt là trên những bệnh nhân có bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, gan, thận… hoặc phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, người cao tuổi.v.v…
Nguyên nhân khiến sốt xuất huyết lần hai thường nặng hơn lần đầu là do lần đầu mắc bệnh, bệnh nhân thường mắc sốt xuất huyết do vi rút type D1 gây ra. Đây là type cổ điển với những biểu hiện lâm sàng nhẹ như: người mệt mỏi, nhức đầu, xuất huyết ít, thời gian mắc bệnh ngắn. Sau khi khỏi bệnh, bệnh nhân sẽ có kháng thể suốt đời với type D1. Ở lần mắc sốt xuất huyết thứ 2, bệnh nhân mắc bệnh do các type huyết thanh khác. Khi đó, cơ thể người bệnh tồn tại song song 2 loại kháng thể. Hai loại kháng thể này có thể xảy ra xung đột gây nên phản ứng tăng xuất huyết thành mạch, tăng cô đặc mắc gây nên những biểu hiện nặng hơn như: choáng váng, xuất huyết, thậm chí là trụy tim.
Các dấu hiệu sốt xuất huyết cảnh báo bao gồm:
– Người mệt mỏi, li bì, toàn thân đau nhức;
– Tâm trạng bồn chồn, vật vã;
– Đau bụng;
– Buồn nôn, nôn;
– Chảy máu cam, chảy máu chân răng;
– Xuất huyết tiêu hóa: đau bụng, đi ngoài ra máu, nôn ra máu;
– Xuất huyết não: hôn mê, co giật;
– Xét nghiệm thấy thể tích khối hồng cầu tăng so với trước đó, tiểu cầu giảm…
Khi thấy các dấu hiệu sốt xuất huyết tái nhiễm cần đến ngay bệnh viện để kiểm tra, tránh những hậu quả nghiêm trọng đối với cơ thể.
3. Khi bị sốt xuất huyết tái nhiễm cần làm gì?
Việc chẩn đoán sốt xuất huyết tái nhiễm dựa vào triệu chứng lâm sàng kết hợp với các kết quả xét nghiệm và các yếu tố tiền sử nhiễm sốt xuất huyết. Vì sốt xuất huyết tái nhiễm rất nguy hiểm nên người bệnh cần đặc biệt chú ý:
– Tuân thủ phác đồ điều trị và hướng dẫn của bác sĩ.
– Có chế độ ăn uống hợp lý: uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả, các loại nước trái cây, uống oresol để bù nước, ăn đồ ăn dễ tiêu…
Những trường hợp có nguy cơ cao tái nhiễm sốt xuất huyết là người dân sống ở khu vực sốt xuất huyết lưu hành. Do đó, khi có dấu hiệu sốt cao, đau đầu, đau mỏi toàn thân, người bệnh nên đi khám sớm để được hướng dẫn cách theo dõi, điều trị.