Từ đầu năm đến nay, UBND quận đã thường xuyên chỉ đạo công tác phòng chống dịch SXH tại các cuộc họp giao ban với các đơn vị, địa phương và quy định hằng tuần ra quân tổng dọn vệ sinh tại các khu dân cư nhằm hạn chế nguy cơ bùng phát dịch SXH. Cùng với đó là hàng loạt các công văn, kế hoạch về tăng cường công tác phòng chống dịch SXH tại các địa phương, tại trường học, các chiến dịch tổng dọn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng bọ gậy…
Chiến dịch diệt lăng quăng bọ gậy và truyền thông phòng chống dịch SXH được triển khai trên toàn địa bàn quận Thanh Khê với 100% phường đồng loạt tổ chức ra quân với 100% hộ dân, nhà trọ, phòng trọ, khu đất trống… trên địa bàn được kiểm tra và diệt lăng quăng, bọ gậy. Kết hợp với việc xử lý bọ gậy tại các hộ gia đình là công tác tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh SXH như: nói chuyện SXH cho người dân tại khu vực điểm nóng, phát tờ rơi, treo pano trên xe lưu động tại các tụ điểm như chợ, trường học…, chạy xe máy gắn loa kẹo kéo đi vào các kiệt, hẻm…, vận động người dân cùng tham gia công tác phòng chống dịch SXH. Trung tâm Y tế quận cũng đã triển khai công tác giám sát véc tơ định kỳ hàng tháng, phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố điều tra bọ gậy nguồn tại 3 phường An Khê, Hoà Khê, Thanh Khê Tây và đã tiến hành xử lý 70/75 ổ dịch SXH nhỏ với tỷ lệ trung bình số nhà được phun hoá chất là 92%.
Ông Nguyễn Hữu Công – Phó chủ tịch quận Thanh Khê cho biết: ngoài những kết quả đã triển khai thực hiện, địa phương cũng gặp phải một số khó khăn vướng mắc, đó là: đại bộ phận hộ gia đình, các cơ quan công sở, các nơi sinh hoạt công cộng có đầy đủ kiến thức về phòng chống SXH nhưng còn chủ quan trong hành động hàng ngày như không kiểm tra các dụng cụ chứa nước có bọ gậy trong khuôn viên gia đình, công sở mình, không tự xử lý các ổ bọ gậy phát hiện được, không ngủ mùng… Mặc dù đã được báo trước nhưng không thể phun hoá chất 100% hộ gia đình vì không có người ở nhà, nhà có người đau ốm, trẻ nhỏ, phụ nữ giai đoạn hậu sản…; Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây mưa nắng thất thường trong ngày đã tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sôi, phát triển, ca bệnh tăng liên tục cùng với việc thiếu hoá chất để xử lý ổ dịch nhỏ nên nguy cơ bùng phát dịch có thể xảy ra.
Tại buổi kiểm tra thực tế và làm việc với UBND quận Thanh Khê và các phường trên địa bàn quận về công tác phòng, chống SXH vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh, về cơ bản, các chủ trương, chính sách về phòng, chống SXH do UBND thành phố, ngành y tế ban hành đều được các địa phương triển khai. Tuy nhiên trên thực tế, tình hình dịch SXH vẫn liên tục gia tăng, bùng phát. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, thiếu hợp tác từ người dân. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã đề nghị: “Các trường học, quản lý các cơ sở, khu vực, địa điểm trên địa bàn phối hợp tổ chức vệ sinh môi trường. Tăng cường xử phạt các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình cố tình không hợp tác với chính quyền, ngành y tế trong phòng, chống dịch SXH. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị, đoàn thể cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong phòng, chống SXH; chủ động thường xuyên thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc và nơi cư trú, trong cộng đồng; tuyệt đối không lơ là, chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện”
Dự báo trong thời gian đến, tình hình SXH tiếp tục diễn biến phức tạp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, UBND quận Thanh Khê tiếp tục chỉ đạo UBND các phường triển khai hoạt động diệt lăng quăng bọ gậy hàng tuần tại các hộ gia đình, công sở, trường học, nơi công cộng. Bên cạnh đó, sẽ xử lý các cơ sở, địa điểm vi phạm nhiều lần, liên tục phát hiện lăng quăng, bọ gậy gây nguy cơ bùng phát dịch. Đồng thời, chỉ đạo UBND các phường phối hợp với TTYT, trạm Y tế tập trung xử lý ổ dịch SXH theo quy định, đặc biệt tăng tỷ lệ hộ gia đình được phun hoá chất, sẵn sàng đáp ứng kịp thời trong công tác phòng chống dịch, không để dịch bùng phát và lan rộng trên địa bàn quận./.