Dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số người mắc mới, số người phải nhập viện và số tử vong chưa giảm; nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, bùng phát tại Việt Nam vẫn ở mức cao từ nguồn nhập cảnh trái phép tại các tuyến biên giới, nhất là tuyến biên giới Tây Nam.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”, tuyệt đối không chủ quan, lơ là và sẵn sàng ứng phó mọi tình huống dịch bệnh. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt yêu cầu đeo khẩu trang ở nơi công cộng đối với cá nhân.
Các bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở sản xuất, dịch vụ (cơ sở y tế, giáo dục, giao thông, thương mại, nhà máy, xí nghiệp, công sở…) thực hiện nghiêm biện pháp an toàn COVID; cập nhật lên hệ thống bản đồ an toàn dịch bệnh; kiên quyết xử lý (kể cả dừng hoạt động) các cơ sở vi phạm. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các yêu cầu này tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, ngăn chặn và xử lý nghiêm nhập cảnh trái phép, nhất là ở các tỉnh biên giới, đặc biệt là biên giới Tây Nam.
Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm chính về việc phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 ở các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Cũng theo Nghị quyết này, trước mắt do nguồn cung vắc xin còn khan hiếm trên quy mô toàn cầu, Bộ Y tế cần khẩn trương thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ nhằm có vắc xin sớm nhất; đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách, hướng dẫn để các doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu, tiêm vắc xin dịch vụ; tổ chức tiêm vắc xin khẩn trương, an toàn tuyệt đối, dứt khoát không để tình trạng vắc xin không được tiêm kịp thời, phải hủy bỏ.
Giao Bộ Y tế khẩn trương hoàn chỉnh phương án và nghiên cứu triển khai cơ chế “hộ chiếu vắc xin” đối với từng loại đối tượng, từng nước, góp phần thực hiện mục tiêu kép; đồng thời, có phương án cụ thể tạo điều kiện thuận lợi nhất để hoàn thành thử nghiệm và sản xuất vắc xin trong nước.
Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 1896/QĐ-BYT điều chỉnh phân bổ 110.000 liều vắc xin phòng COVID-19 của COVAX đợt 2
Theo đó, tại Quyết định do Thứ trưởng Trương Quốc Cường ký ban hành, Bộ Y tế điều chỉnh phân bổ 110.000 liều vắc xin của AstraZeneca do COVAX đợt 2 như sau:
Cụ thể, Bộ Y tế cấp 35.000 liều vắc xin cho quân đội để tiếp nhận, bảo quản và triển khai tiêm chủng cho các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý;
Cấp 34.350 liều cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật 44 tỉnh, thành phố, trong đó các tỉnh thuộc khu vực miền Bắc là 15.450 liều, các tỉnh thuộc khu vực miền Trung là 8.200 liều, các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên là 3.450 liều, các tỉnh thuộc khu vực miền Nam là 7.250 liều;
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cấp bổ sung 10.650 liều cho 5 tỉnh, thành phố, gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang 2.200 liều; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tây Ninh 2.250 liều; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang 2.200 liều; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp 2.000 liều; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An 2.000 liều.
Những liều vắc xin được cấp bổ sung này để tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26-2-2021 của Chính phủ, ngoài lực lượng quân đội, công an.
Cũng theo quyết định của Bộ Y tế, đối với số lượng 30.000 liều cấp cho công an điều chỉnh cấp cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố 62 tỉnh, thành phố.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh báo cáo Sở Y tế phối hợp với công an tỉnh để tổ chức tiếp nhận, bảo quản vắc xin phòng COVID-19 và cấp phát số vắc xin này cho lực lượng công an tỉnh để tổ chức tiêm.
(Nguồn: https://ncov.moh.gov.vn/)