Trước đó, tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác ngành y tế năm 2019 ngày 16/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng lưu ý ngành y tế cần coi việc thay đổi vắc xin tiêm chủng mở rộng là nhiệm vụ quan trọng của ngành trong năm 2019.Phó Thủ tướng nêu rõ: “Ngành y tế đã thận trọng trong khám sàng lọc, trong tư vấn trước và sau tiêm, nhưng cần thận trọng hơn, khám sàng lọc kỹ hơn, dặn dò người dân nhiều hơn về việc theo dõi trẻ sát sao sau tiêm chủng”.
Bộ Y tế cũng cho biết, đến 2020, Việt Nam sẽ hoàn thành việc sản xuất vắc xin 5 trong 1 phòng các bệnh như vắc xin Quinvaxem và ComBE Five để đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến tăng cường xử lý phản ứng sau tiêm chủng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tiêm chủng là gây ra miễn dịch chủ động nhân tạo, đưa vào cơ thể lượng kháng nguyên không đủ gây bệnh nhưng có khả năng kích thích cơ thể tạo ra kháng thể. Sau đó, khi có kháng thể, nếu gặp vi rút gây bệnh, cơ thể đã có sẵn miễn dịch chủ động để không thể mắc bệnh.
Khi vào cơ thể, kháng nguyên sinh kháng thể sẽ có phản ứng, nhẹ nhất là sốt. Nếu không có phản ứng đó sẽ khó lòng sinh ra kháng thể chủ động. Với người càng khoẻ mạnh, trẻ bụ bẫm thì phản ứng sốt càng cao, chứng tỏ kháng nguyên sinh kháng thể tốt, còn với trẻ yếu thường không đáp ứng tiêm kháng nguyên vào nên gần như không có phản ứng. Do đó, trẻ có biểu hiện sốt, quấy khóc, sưng đau, đỏ… sau tiêm là phản ứng thông thường.
Bộ Y tế cho biết, không tiêm chủng, người dân sẽ mắc bệnh và có thể đối mặt nguy cơ tử vong cao, chi phí điều trị bệnh nhiều, trong khi đó, tiêm chủng đảm bảo phòng bệnh tốt, chi phí lại thấp.
Cũng giống như kháng sinh, thuốc, vắc xin cũng có phản ứng không mong muốn.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị.
“Chúng ta theo dõi chặt, không hoang mang, không quá căng thẳng nhưng cũng không chủ quan. Tỉ lệ tử vong của trẻ dưới 1 tuổi ở Việt Nam trung bình một ngày có 20 – 30 trẻ tử vong do tất cả mọi nguyên nhân từ sặc sữa, viêm phổi, tử vong không rõ nguyên nhân khi ngủ… có thể trùng hợp ngẫu nhiên ở thời gian tiêm chủng. Nếu theo dõi chặt, phát hiện nguy cơ, đưa đi bệnh viện kịp thời sẽ đảm bảo an toàn cho trẻ”- Bộ trưởng nói.
Hiện nay có nhiều bậc phụ huynh tìm tới các loại vắc xin dịch vụ với thành phần vô bào (vắc xin tiêm chủng mở rộng ComBe Five là toàn tế bào) và cho rằng vắc xin vô bào an toàn hơn vắc xin toàn tế bào. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, kháng nguyên sinh kháng thể của vắc xin vô bào có thể không tốt bằng vắc xin có thành phần toàn tế bào. Vậy nên, nhiều trẻ tiêm vắc xin dịch vụ vẫn có nguy cơ mắc bệnh do kháng nguyên sinh kháng thể thấp hơn.
“Tổ chức Y tế thế giới đang tranh luận về hiệu quả vắc xin vô bào và người ta mong muốn quay trở lại dùng vắc xin có thành phần toàn tế bào, nhất là những vùng có lưu hành dịch mạnh”- Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đi thị sát tại một số điểm tiêm chủng vắc-xin “5 trong 1” ComBE FIVE tại trạm y tế xã ở Hà Nội.
Theo Bộ trưởng, ngành y tế đã mời các chuyên gia hàng đầu hội chẩn để ra phác đồ chống sốc ban hành Thông tư 51/2017/TT-BYT trước đó, nhưng hiện nay, một số tình huống thực tiễn phát sinh, sắp tới Bộ Y tế sẽ tiến hành bổ sung trong phác đồ.
Để tránh tối đa nguy cơ trẻ phản ứng nặng, tai biến sau tiêm vắc xin, Bộ trưởng cho biết sẽ tập huấn toàn bộ cán bộ nhân viên y tế liên quan, xử lý sốc triệt để theo quy định ban hành.
Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu các cán bộ tỉ mỉ từ những chi tiết nhỏ nhất như tìm hiểu tiền sử sản khoa, tai biến trước đó của trẻ nhỏ, tiền sử bệnh thật, tiền sử dị ứng gia đình.
Bộ trưởng cũng khuyến cáo cha mẹ theo dõi sát sao, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu có bất thường.