Với dân số hơn 97 triệu người, Việt Nam có kinh nghiệm trong việc ứng phó với sự bùng phát của các dịch bệnh truyền nhiễm như bệnh viêm đường hô hấp cấp SARS, MERS, sởi, sốt xuất huyết. Với đại dịch COVID-19, Việt Nam đã dựa vào 4 giải pháp tương đối hiệu quả với chi phí thấp để ứng phó với dịch bệnh. Đó là xét nghiệm chiến lược, truy vết virus qua ứng dụng thông minh, các chiến dịch truyền thông hiệu quả, và cách ly toàn xã hội.
Bài báo cho biết, ngay khi xuất hiện trường hợp bệnh COVID-19 đầu tiên ngoài Trung Quốc, ngay lập tức Việt Nam đã hành động, giám sát và theo dõi chặt chẽ khu vực biên giới để ngăn chặn sự lây lan. Ngày 11/1, Trung Quốc báo cáo về ca tử vong đầu tiên do COVID-19, Việt Nam đã lập các điểm kiểm tra sức khỏe tại sân bay, mọi du khách đều được đo nhiệt độ, những người bị sốt, ho, đau ngực hoặc khó thở được cách ly và xét nghiệm. Tất cả người nhiễm bệnh, hành khách, phi hành đoàn và những người có tiếp xúc với bệnh nhân dương tính đều bị cách ly 14 ngày.
Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) từ rất sớm, vào ngày 15/1, nhiều tuần trước khi các quốc gia khác bắt đầu lên kế hoạch phòng chống dịch bệnh. Theo GAVI, Việt Nam đã nỗ lực rất sớm cộng với hành động nhanh, xét nghiệm hiệu quả đã giúp làm chậm sự lây lan của dịch bệnh ngay từ giai đoạn sớm.
Đến thời điểm virus lan rộng khắp thế giới, Việt Nam đã ban hành lệnh cách ly bắt buộc 14 ngày đối với tất cả mọi người đến nước này, đồng thời hủy tất cả các chuyến bay từ nước ngoài.
Việt Nam đã sử dụng mọi cách để truy tìm dấu vết những người tiếp xúc, cách ly diện rộng; huy động các lực lượng từ y tế, công an, quân đội, công chức… vào cuộc. Ngoài ra, Việt Nam còn sử dụng công nghệ để truy vết virus. Ứng dụng di động có tên NCOVI của Việt Nam phát triển đã giúp công chúng cập nhật tình trạng sức khỏe hàng ngày, chia sẻ thông tin về các “điểm nóng” – nơi có các ca nhiễm mới, hay cung cấp cho người dùng “các hướng dẫn thực hành”’ để bảo vệ sức khỏe. Bộ Y tế còn duy trì một hệ thống báo cáo trực tuyến, theo dõi các trường hợp nghi ngờ và được xác nhận.
Việt Nam đã làm video nhằm truyền thông tới mọi người về tầm quan trọng của việc rửa tay. Video nhận được sự chia sẻ và ủng hộ ở khắp nơi trên thế giới. Ngày 19/3, Việt Nam còn phát động chiến dịch gây quỹ để mua trang thiết bị y tế và đồ bảo hộ cho lực lượng làm việc trên tuyến đầu chống dịch. Các chiến dịch này góp phần nâng cao nhận thức và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Trước những tin đồn về việc sở dĩ Việt Nam có số người tử vong bằng 0 là do không xét nghiệm đầy đủ. GAVI khẳng định điều này không chính xác, bởi Việt Nam không chỉ mua 200.000 xét nghiệm của Hàn Quốc mà còn chế tạo thành công bộ dụng cụ xét nghiệm của riêng mình trong vòng một tháng. Nhờ các bộ dụng cụ này, Việt Nam cách ly những người bị nhiễm bệnh và theo dõi những người nghi nhiễm.
4 yếu tố kể trên đã góp phần tạo nên thành công của Việt Nam trong phòng chống đại dịch COVID-19. Thời gian sẽ trả lời cho câu hỏi liệu các biện pháp này có giúp Việt Nam duy trì tỷ lệ nhiễm bệnh thấp hay không, nhưng hiện nay nó đang phát huy tác dụng. Việt Nam là minh chứng cho thấy trong phòng chống dịch COVID-19, đôi khi “ít hơn là nhiều hơn”.
(Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/)