Vắc xin – hiểu một cách đơn giản chính là những siêu vi đã được làm cho suy yếu, hoặc được làm cho bất hoạt, hoặc một phần của chúng được đưa vào cơ thể, thường bằng cách tiêm và uống. Khi vào cơ thể, những siêu vi này sẽ tấn công hệ miễn dịch và cơ thể trẻ sẽ chiến đấu chống lại chúng. Những siêu vi này đã suy yếu nên KHÔNG THỂ GÂY BỆNH. Cuộc chiến này thường khá đơn giản, như một lần tập dượt nhẹ nhàng với trẻ. Sau này, khi trẻ tiếp xúc với siêu vi mà đã từng tiêm vaccine, hệ miễn dịch đã “nhớ mặt đặt tên” nên sẽ biết phải chống chọi lại như thế nào. Cuộc chiến vì thế thường không nổ ra hoặc nếu nổ ra thì cũng khá nhẹ, bé sẽ dễ dàng chống lại bệnh đó.
Vắc xin là phương pháp an toàn và hiệu quả để phòng tránh nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm như viêm gan, ho gà, uốn ván, sởi, v.v… Tất nhiên không có thứ gì là tuyệt đối an toàn cả, vậy nên việc sử dụng vắc xin vẫn có thể gây ra những tác dụng không mong muốn – nhưng xác suất để điều này xảy ra vô cùng nhỏ, trong khi những nguy hại đến từ việc không tiêm phòng thì lớn hơn nhiều lần. Thế nhưng rất nhiều người đã dựa vào những tác dụng không mong muốn khi sử dụng vắc xin để tạo nên một làn sóng anti-vắc xin cũng như tẩy chay việc tiêm phòng dịch bệnh cho trẻ nhỏ.
Không riêng gì ở Việt Nam, các nước trên thế giới như Châu Âu, Úc cũng xảy ra làn sóng anti-vắc xin. Vấn đề anti-vắc xin tại các nước đang phát triển là một vấn đề đang khiến các nhà chức trách hết sức đau đầu, nhất là trong bối cảnh dịch sởi đang bùng phát một cách mạnh mẽ trên diện rộng. Chính phủ Úc cũng đang phải đương đầu với vấn đề này, và những biện pháp mạnh tay nhằm nỗ lực đối phó với tình trạng anti-vắc xin đang ngày càng nhân rộng.
Tại Đà Nẵng, bằng chứng rõ ràng nhất về hiệu quả của hoạt động tiêm phòng, đó là đang khống chế được dịch sởi đến thời điểm này, trong khi 56/63 địa phương cả nước đã ghi nhận dịch sởi bùng phát. Chỉ là một con số ngắn gọn nhưng đó là kết quả âm thầm trong 5 năm liền, khi Đà Nẵng luôn là địa phương có tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi rất cao, đạt trên 95%. Điều đó cho thấy, hoạt động tiêm phòng cho trẻ luôn cần thiết và phải được triển khai kịp thời, không gián đoạn. Đà Nẵng bắt đầu triển khai tiêm vắc xin Combe Five từ đầu năm 2019 đến nay (đến cuối tháng 3/2019 đã tiêm cho hơn 3200 lượt trẻ) ghi nhận khoảng 11% trong số các trẻ được tiêm có phản ứng nhẹ, thông thường như sốt, sưng chỗ tiêm, quấy khóc…Cho đến nay, chưa ghi nhận ca phản ứng nặng nào.
Vắc xin là một tiến bộ y học và tiêm chủng là một hoạt động tạo miễn dịch cộng đồng. Khi trẻ được chủng ngừa đầy đủ, kịp thời, cơ thể sẽ tạo được hệ miễn dịch, đẩy lùi các loại bệnh trước khi nó bùng phát hoặc đang tiềm ẩn xuất hiện. Nhìn chung, nếu đưa trẻ em đi tiêm phòng thì xác suất xảy ra biến cố tương đối nhỏ, còn nếu không để trẻ em được phòng ngừa đủ thì khi dịch bệnh xảy ra, khả năng những mầm non tương lai bị nhiễm bệnh sẽ là vấn đề đáng lo ngại. Theo các bác sỹ, khi cha mẹ quyết định không tiêm chủng cho con, họ đã đặt con mình và cộng đồng vào nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm. Bởi chỉ khi tỷ lệ tiêm chủng đạt từ 95% trở lên, nó sẽ tạo ra hiệu ứng miễn dịch cộng đồng. Tỷ lệ tiêm chủng thấp như hiện nay không đủ để bảo vệ người dân khỏi lây nhiễm, do đó khiến dịch bệnh lan rộng ngay khi có trường hợp phát bệnh.
Rõ ràng hiệu quả của vắc xin trong phòng ngừa bệnh được các tổ chức y tế thế giới thừa nhận. Nó không chỉ là cứu sống tính mạng con người mà bên cạnh đó còn tiết kiệm kinh tế cho các quốc gia. Do đó cần phải hiểu được vắc xin quan trọng thế nào. Phụ huynh hãy sáng suốt lựa chọn cho con mình loại vắc xin cần thiết, phù hợp nhất, đồng thời nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm hiểu thông tin nhiều nguồn trước khi đưa ra quyết định quan trọng về vắc xin.