Trong cuộc chiến kéo dài với đại dịch COVID-19, cả thế giới và Việt Nam đều xác định giải pháp lâu dài để phòng chống dịch COVID-19 chỉ có thể là vắc xin, phải nhanh chóng tiêm chủng vắc xin để đạt được miễn dịch cộng đồng thì mới có thể khống chế được dịch bệnh. Đây cũng là vấn đề quan trọng và cấp thiết với nền y tế toàn cầu.
Hiện nay có 06 loại vắc xin phòng COVID-19 (AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer, Moderna, Janssen, Vero Cell) được Tổ chức Y tế thế giới phê duyệt (WHO) và Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định tất cả các loại vắc xin phòng COVID-19 đã được tổ chức này phê duyệt đều đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Theo tình hình thực tế, hiện nay các nguồn cung vắc xin trên thế giới rất khan hiếm, mặc dù các đơn vị sản xuất vắc xin vẫn ngày đêm sản xuất nhưng nguồn cung không kịp để đáp ứng với nhu cầu sử dụng của người dân trên toàn thế giới. Tính đến ngày 20-8, Việt Nam đã tiếp nhận gần 24 triệu liều vắc xin phòng COVID-19, trong đó có 14,3 triệu liều vắc xin AstraZeneca, hơn 5 triệu liều vắc xin Moderna, hơn 1,2 triệu liều vắc xin Pfizer, 12.000 liều vắc xin Sputnik-V và 2,5 triệu liều vắc xin Sinopharm,… Các nguồn vắc xin chủ yếu được mua từ AstraZeneca, Pfizer, nhận hỗ trợ thông qua cơ chế COVAX, nguồn ngoại giao từ các nước. Tính đến ngày 23/8, theo số liệu trên Cổng thông tin tiêm chủng vắc xin quốc gia, cả nước đã tiêm gần 17,5 triệu liều.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam sẽ có hơn 120 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 trong năm 2021. Hiện công tác đàm phán vẫn đang được nước ta đẩy mạnh nhằm cung ứng nguồn vắc xin chất lượng nhất, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Việt Nam cũng đang nỗ lực nghiên cứu thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19 trong nước. Hiện có 3 loại vắc xin phòng COVID-19 được cấp phép thử nghiệm lâm sàng gồm: vắc xin Nano Covax (đang tiêm thử nghiệm giai đoạn 3), vắc xin Covivac (chính thức chuyển sang giai đoạn 2) và vắc xin ARCT-154 (nhận chuyển giao công nghệ từ Mỹ, đã kết thúc tiêm mũi 1 cho 100 người tình nguyện). Nếu những loại vắc xin này hoàn thành thử nghiệm đưa vào sử dụng thì chúng ta sẽ có một nguồn cung vắc xin chất lượng trong nước, đảm bảo tiêm chủng cho người dân.
Tuy nhiên hiện nay, một số tỉnh thành phía Nam đang phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhà nước ta phải dồn tổng lực để ứng phó và dập dịch. Vì thế, số lượng phân bổ vắc xin phòng COVID-19 được ưu tiên vào các tỉnh phía Nam, lượng vắc xin Bộ Y tế phân bổ cho các tỉnh thành chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của các địa phương, trong đó có thành phố Đà Nẵng.
Đà Nẵng tiêm vắc xin đạt gần 90% số lượng được Bộ Y tế phân bổ
Hiện tại, Đà Nẵng thực nhận 142.730 liều vắc xin Bộ Y tế phân bổ về. Với lượng vắc xin được phân bổ, Đà Nẵng đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai tiêm chủng một cách nhanh nhất, đảm bảo đúng đối tượng. Tính đến 13h ngày 23/8, ngành Y tế thành phố Đà Nẵng đã tiêm cho 127.858 lượt người (trong đó: 112.630 người tiêm mũi 1; 15.228 người tiêm mũi 2), đạt gần 90% số lượng vắc xin được Bộ Y tế phân bổ (số lượng trên không bao gồm lực lượng công an, quân đội). Sau khi kết thúc kế hoạch tiêm cho hơn 40 nghìn người (từ 19-26/8), từ ngày 27-31/8, ngành y tế thành phố tiếp tục triển khai tiêm vắc xin AstraZeneca cho 22.230 lượt người theo số lượng vắc xin được Bộ Y tế phân bổ.
Theo kế hoạch, Đà Nẵng đặt ra tiến độ tiêm chủng nhanh nhất khi nhận đủ số lượng vắc xin (20.000 người/ngày) tại 100-110 điểm tiêm chủng tại các quận, huyện và 2 điểm tiêm chủng tại Bệnh viện Đà Nẵng, đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về an toàn trong quá trình tiêm vắc xin. Để đảm bảo tiến độ tiêm vắc xin, ngành y tế thành phố đã kêu gọi sự chung tay hỗ trợ từ các y bác sĩ đã về hưu trên địa bàn thành phố. Đây là một nguồn lực quan trọng giúp cho Đà Nẵng có thể đẩy nhanh quá trình tiêm vắc xin cho toàn dân.
Theo dự kiến trong năm 2021, Bộ Y tế sẽ phân bổ cho thành phố Đà Nẵng tổng cộng hơn 1,5 triệu liều vắc xin phòng COVID-19, số lượng này sẽ đảm bảo tiêm đạt 95% dân số từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên số lượng phân bổ trên phụ thuộc rất lớn vào tiến độ vắc xin về Việt Nam.
Với mỗi đợt vắc xin về, ngành y tế thành phố đã cân nhắc, phân bổ số lượng và phân chia đối tượng hợp lý để đảm bảo những đối tượng có nguy cơ cao được tiêm vắc xin. Khi số lượng vắc xin được phân bổ nhiều hơn, Đà Nẵng sẽ mở rộng đối tượng tiêm để đảm bảo mọi người dân, ai cũng sẽ được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Trong lúc chờ đợi được phân bổ vắc xin, Đà Nẵng đã và đang thực hiện những biện pháp mạnh nhằm kiểm soát, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Do đó, cùng với sự nỗ lực của các cấ, các ngành, thành phố rất cần sự chung tay, đồng lòng của mọi người dân, nghiêm chỉnh chấp hành những quyết sách, tuân thủ tốt 5K, 3 tại chỗ. Để một ngày không xa chúng ta sẽ đẩy lùi dịch bệnh, thành phố lại tiếp tục phát triển.